Viêm da cơ địa là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể trở thành bệnh mạn tính, gây nên tình trạng bội nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó việc thăm khám các bác sỹ chuyên khoa và điều trị sớm là một trong những biện pháp quan trọng giúp kiểm soát tình trạng bệnh, hạn chế biến chứng mà bệnh gây ra.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh: điều trị bằng thuốc y học hiện đại hay các bài thuốc y học cổ truyền, hoặc kết hợp cả y học hiện đại với y học cổ truyền nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.
I. Y HỌC HIỆN ĐẠI
Để nâng cao hiệu quả điều trị cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân
- Điều trị đúng theo từng giai đoạn bệnh
- Điều trị song song cùng các bệnh cơ địa khác nếu có
- Kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lí.
1.Điều trị tại chỗ kết hợp điều trị toàn thân
- Tại chỗ: sử dụng các dung dịch đắp vào vùng da tổn thương như dung dịch Jarish; các loại hồ như hồ nước, hồ Brocq; hoặc các loại mỡ có chứa salicylat, ichtiy, corticoid; các thuốc làm mềm da, ẩm da.
- Toàn thân: tùy vào tình trang của người bệnh mà sử dụng các thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin C, kháng sinh nếu có bội nhiễm.
2. Điều trị theo từng giai đoạn bệnh
– Giai đoạn cấp tính
- Dung dịch Jarish: đắp liên tục vào thương tổn.
- Nếu không có Jarish có thể dùng nước muối đẳng trương.
-Giai đoạn bán cấp
- Dùng các loại hồ: Hồ nước, hồ Brocq, Hồ/kem có corticoid.
-Giai đoạn mạn tính
- Dùng các loại mỡ ichtoy, goudron, salicylat, kem có corticoid như clobetason, hydrocortison, betamethason, mỡ tacrolimus 0,03 hay 0,1% và pimecrolimus.
- Các thuốc làm mềm da, ẩm da: Bôi thường xuyên để tránh tái phát.
3. Điều trị các bệnh cơ địa khác nếu có
– Các nghiên cứu đã chỉ ra bệnh viêm da cơ địa có quan hệ mật thiết với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,… Do đó, nếu người bệnh đang mắc các bệnh này cần điều trị song song cùng bệnh viêm da cơ địa theo đúng phác đồ của Bộ y tế dưới sự giám sát của bác sỹ chuyên khoa.
4. Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lí
“ Ẩm thực liệu pháp” tức là chữa bệnh bằng việc ăn uống cùng chế độ sinh hoạt hợp lí có vai trò quan trọng trọng việc điều trị bệnh. Người bệnh cần tuân theo các nguyên tắc sau
- Hạn chế đồ ăn kích thích bệnh khởi phát như đồ tanh, các loại tôm cua, cá, ốc, hải sản, đồ ăn cay nóng, các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
- Bổ sung nhiều loại hoa quả tươi, rau xanh để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Uống 2l nước mỗi ngày.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa.
- Hạn chế gãi tới mức tối đa, đối với trẻ nhỏ cần cắt móng tay và đeo găng tay vào ban đêm.
- Tránh căng thẳng, stress, làm việc quá sức.
- Vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn, gối, nệm, thảm và màn cửa thường xuyên, tránh khói thuốc lá và môi trường bụi bặm.
- Khi trời nóng, cần mặc quần áo thoáng mát. Khi trời lạnh và khô, cần dưỡng da với các loại kem, sáp giữ ẩm phù hợp.
II. Y HỌC CỔ TRUYỀN
Viêm da cơ địa điều trị theo y học cổ truyền được phân loại điều trị theo từng thể bệnh của bệnh nhân. Bệnh viêm da cơ địa thường xảy ra theo từng đợt cấp tính, nếu không điều trị triệt để sẽ tái đi tái lại trở thành mạn tính.
Nguyên tắc điều trị :
- Trong uống ngoài bôi, kết hợp điều trị bên trong lẫn bên ngoài.
- Dựa trên bài thuốc cổ phương và thể bệnh cụ thể mà dùng bài thuốc phù hợp với người bệnh.
1.Điều trị viêm da cơ địa thể cấp tính
Bệnh bắt đầu nhanh và thường đối xứng hai bên. Ngứa là triệu chứng chủ yếu, từng đợt phát sinh nhiều về đêm. Bệnh thường kéo dài 2 – 3 tuần, nặng có thể 4 – 6 tuần thì khỏi, thường có xu hướng tái phát.
Một số bài thuốc bôi, rửa có thể dùng:
- Dùng 10% dung dịch Hoàng bá hoặc Bồ công anh 30g, Cúc hoa dại 15g, Sinh địa du 20g sắc lên để nguội đắp. Chàm gần khô dung dầu Hoàng liên hoặc bột Thanh đại bôi.
- Minh phàn, lá chè xanh ( mỗi thứ 100g) cho vào 3 lít nước sắc còn 1 lít lọc qua vải gạc dùng rửa hang ngày 3 – 4 lần.
- Vỏ lá xoan, lá chổi xể, lá vối mỗi thứ một nắm, lượng bằng nhau sắc lấy nước rửa
- Ngũ bội tử, xà sàng tử mỗi thứ 30 – 40g, sắc nước rửa.
2.Điều trị viêm da cơ địa thể mạn tính
Viêm da cơ địa thể mạn tính khiến cho da dày hơn, thô ngứa ngáy và khô ráp. Vùng da tổn thương nhiều mụn nước. Đặc biệt là mụn nước tại các khu vực cổ tay, cổ chân, khuỷu tay,… Điều trị viêm da cơ địa thể mạn tính cũng có các thuốc uống, ngâm rửa và thuốc bôi ngoài.
Có thể chọn dùng bôi các loại sau:
- Bột Thanh đại trộn với dầu vừng vừa đủ để bôi.
- Lòng đỏ trứng gà nấu thành cao bôi.
- Tam diệu tân phương (hàn thủy thạch 40g, Hoàng bá 20g, Thanh đại 4g tán bột mịn trộn dầu vừng bôi.
- Ngũ thạch tán (Hàn thủy thạch, Thạch cao, Băng phiến, Xích thạch chỉ, Lô cam thạch, lượng bằng nhau tán bột mịn trộn đều bôi, ngày 2 – 3 lần.
Trên đây là một số phương pháp điều trị viêm da cơ địa bạn cần biết. Với các thông tin tham khảo trên, hi vọng bạn sẽ có thêm một hướng điều trị phù hợp cho bệnh của mình. Chúc bạn có nhiều sức khỏe.