NHẬN BIẾT BỆNH VIÊM NANG LÔNG

Viêm nang lông là  một bệnh da liễu khá phổ biến, do sự  xâm nhập của các tế bào viêm vào thành trong nang lông, tạo thành ổ mủ ở nang lông. Bệnh gặp ở bất kỳ chủng tộc, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ nam, nữ tương đương.

 

Viêm nang lông  (Folliculitis)  là tình trạng viêm xảy ra ở nang lông.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm dùng dao cạo râu, cạo lông , mặc quần áo chật, bí, tiếp xúc với môi trường ẩm, tình trạng suy giảm miễn dịch, mắc bệnh như đái tháo đường, béo phì. Các bệnh về da có từ trước hay sau sử dụng một số loại kháng sinh kéo dài.

Triệu chứng nhận biết viêm nang lông

Viêm nang lông thường xuất hiện ở vùng râu, gáy, thân mình, vùng da đầu, vùng mặt,… Thực tế, bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ vùng da trên cơ thể, trừ lòng bàn chân, bàn tay và môi (do các vùng da này không có nang lông).

  1. Triệu chứng điển hình của viêm nang lông

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm nang lông:

  • Tổn thương cơ bản của viêm nang lông là các sẩn đỏ hoặc mụn mủ nhỏ khu trú ở nang lông
  • Xung quanh nang lông có quầng đỏ tươi
  • Sau vài ngày, mụn mủ có xu hướng vỡ, gây ra vết trợt nhỏ, khô lại và bong vảy tiết.
  • Ở một số vị trí, các mụn mủ có thể liên kết tạo thành từng đám lớn gây viêm đỏ, ngứa ngáy và sưng đau.

 

Tổn thương là là các sẩn đỏ hoặc mụn mủ nhỏ khu trú ở nang lông

Phạm vi và mức độ tổn thương da thường có sự khác biệt ở từng trường hợp. Điều này phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, cơ địa và một số yếu tố thuận lợi.

  1. Phân loại bệnh

  • Phân theo nguyên nhân gây bệnh
  • Viêm nang lông do nhiễm trùng : vi khuẩn, virus, nấm hay kí sinh trùng.
  • Viêm nang lông không do nhiễm trùng: do thuốc, do thiếu chất, do ánh sáng..
  • Phân theo độ nông sâu của bệnh
  • Viêm nang lông nông: là tình trạng viêm chỉ giới hạn ở phần phễu của nang lông. Bệnh khởi phát cấp tính hoặc mạn tính, tổn thương là các sẩn đỏ, mụn mủ kèm theo ngứa hoặc gây khó chịu. Bệnh thường tự khỏi, nhưng cũng có thể viêm mạn tính, diễn biến thành viêm nang lông sâu, nhất là trên các bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch.
  • Viêm nang lông sâu là tình trạng viêm ở phần sâu của nang lông và phần trung bì quanh nang lông. Viêm nang lông sâu có thể xuất phát từ viêm nang lông nông. Biểu hiện lâm sàng là các kén, cục, đôi khi chảy mủ và thường kèm theo đau nhức. Các tổn thương tái phát hoặc tồn tại dai dẳng có thể dẫn tới sẹo và rụng lông tóc vĩnh viễn.

 

  1. Dấu hiệu của viêm nang lông theo tác nhân gây bệnh

Biểu hiện lâm sàng của viêm nang lông còn có sự khác biệt tùy vào tác nhân gây bệnh.

 

Tụ cầu vàng – Staphylococcus aureus là tác nhân chính gây viêm nhiễm nang lông
  • Viêm nang lông do tụ cầu vàng: Tụ cầu vàng thường gây tổn thương nang lông ở vùng tóc mai, lông mu, chân tóc vùng gáy, râu, nách,… Tác nhân này gây viêm cả nang lông và tuyến bã nên có khả năng để lại sẹo sau khi điều trị.
  • Viêm nang lông do nấm sợi: Nấm Microporum gây thương tổn điển hình là đám da tròn và bong nhiều vảy trắng nhỏ. Loại nấm này thường gây viêm nang lông ở vùng da dầu và có khả năng gây rụng tóc, sẹo da đầu và tăng nguy cơ hói đầu.
  • Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: Thường xảy ra ở vùng mặt do sử dụng kháng sinh đường uống dài ngày. Vi khuẩn gram âm thường khiến da nổi sẩn, tạo các áp xe nang lông ở vùng cằm, má và làm nghiêm trọng các nốt mụn cá trên mặt.
  • Viêm nang lông do nấm Malassezia: Loại nấm này phát triển mạnh khi thời tiết nóng ẩm. Viêm nang lông do nấm Malassezia thường xuất hiện ở vùng cánh tay, mặt, gáy và vùng lưng với tổn thương điển hình là các mụn mủ và sẩn ngứa khu trú ở nang lông. Sẩn ngứa do nấm Malassezia khá giống mụn trứng cá nhưng không có nhân trắng.
  • Viêm nang lông do virus herpes: Virus herpes thường gây viêm nang lông ở ria mép và vùng cằm do cạo râu. Tổn thương điển hình là sự xuất hiện của các mụn nước nhỏ, mọc tập trung thành đám như chùm nho và có xu hướng đóng vảy tiết sau vài ngày. Viêm nang lông do virus herpes có thể tự khỏi, không để lại sẹo thâm nhưng hay tái đi tái lại.
  • Viêm nang lông do virus u mềm lây: Virus u mề lây (Molluscum contagiosum) có thể gây viêm nang lông ở vùng ria mép và vùng râu cằm. Virus này không tồn tại trên bề mặt da mà chủ yếu lây nhiễm từ người khác. Viêm nang lông do chủng virus này có thể tự khỏi sau khoảng vài tháng.
  • Viêm nang lông do Demodex: Demodex là loại ký sinh trùng sinh sống và phát triển trên da người. Tuy nhiên khi vệ sinh kém, loại ký sinh này có thể bùng phát mạnh và gây viêm nang lông. Viêm nang lông do Demodex có biểu hiện tương tự viêm da tiết bã, vẩy phấn nang lông hoặc nổi mụn mủ do mụn trứng cá.

Bệnh viêm nang lông không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng tới thẩm mỹ của người bệnh. Do đó, người bệnh cần điều trị sớm để phòng ngừa tình trạng biến chứng và tái phát bệnh.

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *