Nguyên nhân , triệu chứng bệnh VẢY NẾN

Vảy nến là căn bệnh da liễu mãn tính, có thể gặp ở bất cứ độ tuổi và giới tính nào, mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào diện tích và vị trí vùng da bị tổn thương. Căn nguyên của bệnh tương đối phức tạp, hình thái lâm sàng của bệnh khá đa dạng, ngoài thương tổn da còn có thương tổn niêm mạc, móng và khớp xương. Do đó việc tìm hiểu được nguyên nhân và triệu chứng bệnh giúp người bệnh nhận biết và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân bệnh vảy nến đến nay vẫn chưa được các nhà khoa học chứng minh rõ ràng nhưng theo nghiên cứu, các yếu tố được cho là thuận lợi giúp gây ra bệnh bao gồm:

 

  • Yếu tố di truyền
  • Nếu trong gia đình có bố mẹ bị mắc bệnh vẩy nến thì 40% các trường hợp có di truyền sang con.
  • Cơ chế miễn dịch: Có sự thay đổi miễn dịch ở bệnh vảy nến. Đó là sự rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và dấu ấn của cytokine. Theo đó, các tế bào lympho T trong cơ thể bệnh nhân có thể nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công, làm chúng bị tổn thương. Bên cạnh đó, các tế bào miễn dịch được hoạt hóa tiết các hoạt chất sinh học có tác dụng thúc đẩy tăng sinh, làm rối loạn quá trình biệt hóa tế bào sừng. Từ đó dẫn tới bệnh vảy nến.
  • Yếu tố ngoại sinh: 
  • Sinh bệnh học của vảy nến có thể chịu tác động của yếu tố môi trường, đó là
    • Chấn thương : Vùng da thượng bì bị tổn thương không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại hậu quả lâu dài, điển hình như vẩy nến
    • Yếu tố tâm lý (stress): Môi trường sống, công việc căng thẳng, tâm lý lo lắng cũng là tác nhân khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm.
    • Bỏng nắng: Ánh sáng mặt trời có chứa nhiều tia tốt cho da và sự phát triển cơ thể, nhưng cũng luôn ẩn chứa các hiểm họa như tia tử ngoại. Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời vào khoảng thời gian từ 10 giờ tới 15 giờ không chỉ là yếu tố gây phát sinh bệnh vẩy nến mà còn có thể bị ung thư da.
    • Dùng thuốc không đúng cách: Nhiều người vẫn có thói quen chữa bệnh theo cảm tính, dùng thuốc theo kinh nghiệm mà không theo đơn của bác sĩ. Khi dùng thuốc không đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả đối với người bệnh, nhất là các loại thuốc như: thuốc chống sốt rét, thuốc trị cao huyết áp loại beta blocker, corticoid… có thể dẫn đến bệnh vẩy nến.
    • Nhiễm trùng da: Quá trình sinh hoạt không giữ vệ sinh đúng cách hàng ngày khiến da bị nhiễm khuẩn, hoặc dùng chất tẩy rửa quá mạnh cũng góp phần làm bệnh thêm trầm trọng.

 

 

Căng thẳng là tác nhân khởi phát hoặc làm bệnh nặng thêm

Triệu chứng bệnh Bệnh vảy nến

Bệnh biểu hiện ở mỗi vị trí khác nhau lại có đặc điểm khác nhau.

Thương tổn da

  • Điển hình là những dát đỏ, giới hạn rõ với da lành, trên phủ vảy da dễ bong. Vùng da bị tổn thương có vảy đỏ với vảy trắng phủ lên như sáp nến, vảy dày, nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong tróc, kích thước to nhỏ khác nhau.
  • Vị trí thường gặp ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ sát như khuỷu tay, đầu gối, mấu chuyển, mặt duỗi các chi, chỗ bị sang chấn hay vết bỏng, sẹo, vết cào gãi. Thương tổn có khuynh hướng đối xứng.

Thương tổn móng

  • Chiếm khoảng 30 – 50% tổng số bệnh nhân vảy nến, thường kèm với thương tổn da ở đầu ngón hoặc rải rác ở toàn thân.
  • Thương tổn móng thường gặp là: mặt móng có những chấm lõm  hoặc những vân ngang, có những đốm trắng hoặc thành viền màu vàng đồng. Kết hợp với đỏ da bong vảy xung quanh móng. Vảy nến mụn mủ thấy các mụn dưới móng hoặc xung quanh móng.

Tổn thương móng gặp trong bệnh vảy nến

Thương tổn khớp

  •  Chiếm khoảng 10 – 20% tổng số bệnh nhân vảy nến. Biểu hiện này thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính, cứng khớp, lệch khớp…Bệnh nặng sẽ làm cho người bệnh đi lại khó khăn, đau nhức khắp cơ thể.

Thương tổn ở niêm mạc

  • Thường gặp ở niêm mạc quy đầu là những vết màu hồng, không thâm nhiễm, giới hạn rõ, ít hoặc không có vảy, tiến triển mạn tính.
  • Ở lưỡi giống viêm lưỡi hình bản đồ hoặc viêm lưỡi phì đại tróc vảy.
  • Ở mắt hình ảnh viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mí mắt.

Tiến triển và biến chứng

  • Bệnh tiến triển từng đợt, xen kẽ những đợt bùng phát là thời kỳ tạm lắng. Khi thương tổn biến mất hoàn toàn gọi là “vảy nến yên lặng”. Chỉ còn một vài mảng thương tổn khu trú ở vị trí nào đó, tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng, nhiều năm gọi là “vảy nến ổn định”. Vì vậy khi sạch thương tổn cũng không thể coi là bệnh đã khỏi hoàn toàn.
  • Bệnh nếu không được điều trị đúng cách hoặc không được điều trị sớm sẽ dẫn tới hiện tượng chàm hóa, lichen hóa, bội nhiễm, ung thư da, đỏ da toàn thân, biến dạng khớp…Do đó người bệnh cần hiểu rõ về bệnh để nhận biết và điều trị kịp thời.

Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường – Chúc quý bệnh nhân mau lành bệnh!

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *