MÀY ĐAY – BỆNH LÝ DA LIỄU CƠ BẢN

Mày đay là bệnh lý thuộc chuyên khoa da liễu, mày đay vừa là bệnh vừa là triệu chứng để chẩn đoán một số bệnh lý trên lâm sàng. Cơ chế bệnh sinh khá là phức tạp nó liên quan đến cả miễn dịch và các chất trung gian hóa học. Vậy để chẩn đoán căn bệnh này và điều trị như thế nào?

Mề đay - Bệnh lý da liễu cơ bản và cách điều trị
Mề đay – Bệnh lý da liễu cơ bản và cách điều trị

Mời bạn đọc cùng tìm hiểu với các bác sĩ tại phòng khám Tuệ Y Đường nhé!

I.ĐẠI CƯƠNG

1. Tổng quan

Mày đay là tình trạng bề mặt da nổi lên nhưng ban sẩn màu hồng hoặc màu trắng, đây là hiện tượng phản ứng của mao mạch do các dị nguyên gây dị ứng cho cơ thể dẫn đến phù cấp tính hoặc phù mạn tính ở trung bì. Theo YHCT thì mày đay là một bệnh lý da liễu thường gặp được xếp vào chứng Ẩn chẩn, Phong chẩn.

Bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, dễ nhận biết nhưng rất khó tìm được nguyên nhân chính xác. Trên cùng một người bệnh có thể có một hoặc nhiều căn nguyên gây ra mày đay cùng kết hợp. Cơ chế bệnh phức tạp, đa số thông qua kháng thể IgE, trong đó có vai trò quan trọng của các chất trung gian hóa học nhất là Histamin.

Khoảng 20% dân số mắc mày đay ít nhất một lần trong đời. Mày đay chính là kết quả của hang loạt những chuỗi phản ứng hóa học phức tạp để giải phóng Histamin và các chất trung gian gây viêm.

Triệu chứng của bệnh lý này là các sẩn ban màu hồng hoặc màu trắng, phù nề, danh giới rõ ràng. Kích thước và hình dạng mày đay rất đa dạng hình thái, có thể hình tròn hoặc bầu dục cũng có thể không có hình dạng cụ thể. Mày cũng có thể xuất hiện bóng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy trên da. Bệnh nhân bị mày đay có thể kèm theo ngứa, ngứa nhiều hoặc ngứa ít tùy thuộc vào diện tích xuất hiện mày đay rộng hay hẹp.

Mày đay có thể xuất hiện ở những vị như da (mày đay da), niêm mạc, thanh quản, đường tiêu hóa.

Tình trạng nổi mề đay
Tình trạng nổi mề đay

2. Chẩn đoán

2.1 Triệu chứng mang tính chất chẩn đoán

  • Tổn thương cơ bản là các sẩn phù kích thước to nhỏ khác nhau, xuất hiện ở bất kì vùng da nào của cơ thể. Sẩn phù hơi nổi cao trên mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc nhạt hơn vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh, mất đi nhanh.
  • Vị trí mày đay có thể khu trú tại một vùng hoặc có thể lan rộng toàn thân.
  • Tại những vùng có tổ chức lỏng lẻo như môi, mi mắt, bộ phận sinh dục,… các nốt mày đay hay ban đỏ làm vùng đó sưng to gọi là phù mạch hay phù Quincke. Đặc biệt khi phù mạch ở thanh quản hay ống tiêu hóa gây ra các triệu chứng như khó thở nặng, tụt huyết áp, rối loạn vận mạch hay nặng nhất sốc phản vệ.
  • Ngứa là triệu chứng khá điển hình của mày đay, nếu cnagf gãy thì càng ngứa càng nổi thêm nhiều sẩn cục hơn. Tùy từng trường hợp bệnh nhân chỉ có cảm giác châm chích, râm ran.
  • Mày đay thường tiến triển từng đợt, thường sẽ trải qua hai giai đoạn là mày đay cấp tính và mày đay mạn tính. Mày đay cấp là phản ứng tức thì xảy ra trong vòng 24 giờ, có thể kéo dài đến 6 tuần; mày đay mạn là mày đay tồn tại trên 6 tuần.

2.2 Cận lâm sàng giúp chẩn đoán căn nguyên gây bệnh

  • Làm prick test, patch test đối với dị nguyên nghi ngờ
  • Xét nghiệm máu có tăng số lượng bạch cầu ái toan gợi ý bệnh dị ứng hoặc do ký sinh trùng, số lượng bạch cầu giảm trong SLE
  • Sinh thiết da nếu mày đay kéo dài và giúp xác định viêm mao mạch
  • Định lượng kháng nguyên đặc hiệu loại IgE theo công nghệ MAST CLA1.

Mời bạn đọc tìm hiểu thêm:  LÀM GÌ KHI BỊ MÀY ĐAY?

II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO YHCT

– Tiên thiên bất túc: Do bẩm sinh không đầy đủ, tà khí dễ xâm nhập mà phát bệnh. – Ngoại tà xâm nhập: Vệ khí không cố được biểu nên ngoại tà đặc biệt là phong hàn, phong nhiệt xâm nhập và tắc trở ở bì phu mà phát bệnh.

– Ăn uống không đúng: Do ăn uống nhiều đồ hải sản, đồ cay nóng…dẫn tới công năng tỳ vị bị ảnh hưởng, thấp nhiệt nội sinh mà hóa phong nhiệt; hay do ăn uống không sạch làm trùng tích tích lại ở tỳ vị lâu ngày sinh thấp nhiệt ảnh hưởng tới bì phu.

– Tình chí nội thương: Do tình chí tổn thương dẫn tới âm dương mất thăng bằng, doanh vệ không điều hòa mà phát bệnh.

– Khí huyết hư nhược: Do mắc bệnh lâu ngày hay do bản chất hư nhược hoặc Xung Nhâm không điều hòa, dẫn đến khí huyết hư. Khí hư không cố được biểu thừa cơ tà khí xâm nhập, huyết hư làm hư nhiệt sinh phong, bì phu không được nuôi dưỡng mà sinh bệnh.

Ăn uống không đúng: Do ăn uống nhiều đồ hải sản, đồ cay nóng...dẫn tới nổi mề đay
Ăn uống không đúng: Do ăn uống nhiều đồ hải sản, đồ cay nóng…dẫn tới nổi mề đay

III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG YHCT

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

1. Thể phong hàn

1.1. Triệu chứng

Sẩn phù màu trắng, gặp gió lạnh thì nặng lên, chườm ấm thấy đỡ, không khát; lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. Mạch phù khẩn.

1.2. Chẩn đoán

– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.

– Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong hàn).

1.3. Pháp điều trị

Sơ phong tán hàn, điều hòa dinh vệ.

1.4. Phương điều trị

* Thuốc thang sắc: Cổ phương: “Quế chi thang” (Thương hàn luận)

Quế chi 8g
Bạch thược 12g
Sinh khương 12g
Chích cam thảo 6g
Đại táo 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

* Thuốc dùng ngoài: Kinh nghiệm dân gian

– Lá dướng sắc lấy nước rửa nơi có mày đay hoặc lá khế, lá kinh giới giã nát đắp lên tổn thương, đun nước uống hoặc tắm hàng ngày.

– Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thể phong nhiệt

2.1. Triệu chứng

Sẩn phù màu đỏ tươi, ngứa dữ dội, có thể kèm theo người nóng, phát sốt, sợ nóng, hầu họng sưng đau, gặp nóng bệnh nặng thêm, rêu lưỡi vàng mỏng. Mạch phù sác.

2.2. Chẩn đoán

– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

– Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong nhiệt).

2.3. Pháp điều trị

Sơ phong thanh nhiệt.

2.4. Phương dược điều trị

* Thuốc uống trong: Cổ phương: “Ngân kiều tán” (Ôn bệnh điều biện)

Kim ngân hoa 16g Đạm trúc diệp 12g
Bạc hà 08g Cát cánh 12g
Liên kiều 16g Cam thảo 06g
Đạm đậu xị 12g Ngưu bàng tử 12g
Kinh giới 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

3. Thể huyết hư phong táo

3.1. Triệu chứng

Bệnh tái đi tái lại, tổn thương có màu trắng, sau trưa hoặc về đêm thì nặng lên, kèm theo mệt mỏi, sắc mặt không tươi nhuận, lưỡi hồng nhạt, rêu trắng mỏng. Mạch tế nhược.

3.2. Chẩn đoán

– Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, hư.

– Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

3.3. Pháp điều trị

Tư âm nhuận huyết, giải độc.

3.4. Phương dược trị liệu

* Thuốc dùng trong: Cổ phương: “Tiêu phong tán” (Y tông kim giám)

Kinh giới 12g Sinh địa 12g
Thuyền thoái 04g Tri mẫu 10g
Phòng phong 12g Khổ sâm cho lá 12g
Ngưu bàng tử 12g Thương truật 08g
Đương qui 12g Cam thảo 06g
Thạch cao 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Bốc thuốc thang tại phòng khám Tuệ Y Đường trong điều trị mề đay
Bốc thuốc thang tại phòng khám Tuệ Y Đường trong điều trị mề đay

IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

1. Nguyên tắc điều trị

– Xác định và loại bỏ dị nguyên gây dị ứng, tránh tiếp xúc lại với dị nguyên gây dị ứng.

– Tùy vào từng tình trạng bệnh mà sử dụng thuốc sao cho phù hợp

2. Điều trị cụ thể

2.1. Điều trị nguyên nhân

– Tránh tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng.

– Giải mẫn cảm với dị nguyên gây dị ứng.

2.2. Điều trị triệu chứng

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

Kháng histamine:

  • Kháng Histamin thế hệ 1 (Kháng H1) có tác dụng phụ buồn ngủ
  • Kháng Histamin thế hệ 2 (Kháng H2) như cetirizine, levocetirizine ít gây buồn ngủ, desloratadine, fexofenadine, loratadine không gây buồn ngủ
  • Kháng Cholinergic tác dụng phụ như khô miệng, nhìn mờ, tim đập nhanh, rối loạn tiết niêu,…

– Corticoid

  • Thường dùng trong các trường hợp nổi mày đay cấp tính, mày đay mạn, kèm phù thanh quản, khi không còn đáp ứng được với thuốc kháng Histamin thông thường.
  • Không nên dùng trong trường hợp mày đay cấp tính tự phát
  • Đường dùng: đường uống hoặc đường tiêm
  • Liều dùng: 30 – 60 mg, dùng 1 lần buổi sang hoặc 2 lần sáng chiều, giảm dần liều sau 2 tuần điều trị

3. Một số lưu ý khi điều trị những bệnh nhân đặc biệt

3.1. Mày đay ở phụ nữ có thai

  • Thận trọng khi dùng thuốc điều trị điều trị mày đay
  • Hydroxyzine chống chỉ định tuyệt đối cho phụ nữ có thai
  • Cetirizine và Loratadine (nhóm B) an toàn điều trị mày đay thai phụ vì các thuốc này không gây dị tật tai nhi
Tình trạng nổi mề đay ở phụ nữ có thai
Tình trạng nổi mề đay ở phụ nữ có thai

3.2.  Mày đay ở phụ nữ cho con bú

  • Không được phép dùng các thuốc thuộc nhóm kháng Histamin
  • Một số thuốc sau vẫn có thể sử dụng như Cetirizine và Loratadine

3.3. Mày đay ở trẻ nhỏ

  • Giữ trẻ cách xa các nguyên nhân có thể gây khởi phát bệnh;
  • Nhóm thuốc kháng Histamin là lựa chọn hàng đầu cho trẻ nhỏ
  • Trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể dung Cetirizine, Desloratadine
  • Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể dùng Loratadine, levocetirizine
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể dùng Acrivastine, Bilastine, Mizolastine, Fexofenadine và Rupatadine
  • Cơ thể trẻ nhỏ và khả năng đáp ứng đặc biệt là quá trình chuyển hóa cetirizine của trẻ rất khác người lớn nên dùng 2 lần một ngày
  • Diphenhydramine, Hydroxyzine, Promethazine, Chlorphenamine đều là các thuốc thuộc nhóm kháng Histamin thế hệ 1 (kháng H1) có thể dùng cho trẻ (lưu ý: kháng H1 gây buồn ngủ)
  • Đối với những trẻ có mày đay cấp tính có thể sử dụng Corticosteroids ngắn ngày (3-5 ngày), không sử dụng Corticoid dài ngày vì có thể gây tác dụng phụ như nặng nề;
  • Acid Tranexamic sử dụng để điều trị phù mạch đơn độc với liều lượng 15-25mg/kg (tối đa 1500mg), dùng 2-3 lần/ngày;
  • Kháng thể kháng IgE (Omalizumab) có thể sử dụng điều trị mày đay mạn tính ở trẻ em trên 7 tuổi , không đáp ứng điều trị thuốc kháng histamin; liều dùng là 3 – 6 lần tiêm, 150-300mg/tháng;
  • Trẻ cần được theo dõi ở trung tâm điều trị đặc biệt;
  • Có thể sử dụng Cyclosporine điều trị mày đay trong trường hợp ca bệnh khó chữa.

Tham khảo: Lá Kinh giới điều trị Mề đay ở trẻ em

V. PHÒNG BỆNH

  • Giải thích rõ cho bệnh nhân khi thực hiện điều trị bệnh, phòng bệnh là phương pháp tối ưu trong điều trị;
  • Xác định chính xác và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh;
  • Nghỉ ngơi nhiều, tránh tình trạng căng thẳng, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh;
  • Tránh dùng các thuốc có thể gây mày đay như Aspirin, NSAIDs, codeine, morphine, ức chế men chuyển,… nếu có cơ địa dị ứng;
  • Tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như trứng, dâu tây, cà chua, chocolate,…;
  • Tránh các chất gây kích thích như gia vị, trà, rượu bia, cà phê,…;
  • Hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da tránh tình trạng mày đay lan rộng
  • Có thể áp lạnh hoặc tắm nước lạnh, tránh tắm nước nóng;
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
  • Chống táo bón, tẩy giun sán;
  • Mặc quần áo cotton nhẹ nhàng và vừa vặn;
  • Tránh các hoạt động nặng nhọc hoặc những nguyên nhân khác gây đổ mồ hôi.
Tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
Tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về số hotline: 0789502555 xin cảm ơn

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *