Bấm huyệt là liệu pháp điều trị giúp tăng cường lưu thông máu, làm giảm sự chèn ép các rễ thần kinh và hỗ trợ giảm đau nhức hiệu quả. Cùng Tuệ Y Đường tìm hiểu công dụng và cách thực hiện cụ thể liệu pháp bấm huyệt chữa thoái hoá đốt sống cổ trong bài viết dưới đây
Thoái hóa đốt sống cổ là gì?
Trong Y học, thoái hóa đốt sống cổ hay thoái hóa cột sống cổ là một dạng bệnh lý về xương khớp, chỉ tình trạng cột sống tại vùng cổ bị thoái hóa do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi đó, các đốt sống, đầu sụn, đĩa đệm và các tổ chức bao hoạt dịch có dấu hiệu hư hỏng, tổn thương, gây ra các cơn đau nhức tại các vị trí kể trên, đặc biệt là khi cử động cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ là một loại bệnh xương khớp mãn tính.
Thông thường, bệnh sẽ tiến triển khá chậm nhưng những tổn thương mà bệnh gây ra rất khó phục hồi. Tình trạng thoái hóa có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống cổ nào. Tuy nhiên, C5, C6, C7 là 3 đốt sống có nguy cơ thoái cao hơn.
Thoái hóa cột sống trong đó có thoái hóa cột sống cổ có tính phổ biến khá cao trong xã hội. Nếu như trước kia người ta cho rằng bệnh chỉ chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi hoặc người trong giai đoạn lão hóa thì nay đã phải thay đổi suy nghĩ.
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, thói quen sinh hoạt và làm việc trong văn phòng, lười vận động khiến không ít người trẻ đang phải đối mặt với thoái hóa đốt sống cổ. Ngoài ra, đối tượng người thường xuyên phải khuân vác vật nặng cũng rất dễ mắc căn bệnh này.
Tỷ lệ mắc thoái hóa đốt sống cổ ở nam giới và nữ giới là ngang bằng nhau. Người bệnh không thể coi thường những ảnh hưởng của bệnh. Phát hiện và xử lý sớm là điều cần thiết để hạn chế được những biến chứng tiêu cực xảy ra.
Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Như đã nói, thoái hóa đốt sống cổ không gây nguy hiểm trực tiếp lên tính mạnh nhưng sẽ làm sức khỏe người bệnh bị sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài những áp lực về tinh thần do các cơn đau nhức gây ra, nếu không được điều trị đúng cách từ sớm thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra các biến chứng bệnh lý khôn lường khác. Cụ thể:
- Rối loạn tiền đình: Đây là một biến chứng tương đối phổ biến của thoái hóa cột sống cổ. Các bác sĩ chỉ ra rằng, cột sống thoái hóa tác động làm tổn thương lỗ tiếp hợp từ đó gây ra rối loạn tiền đình. Bệnh nhân thường có các biểu hiện là mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, mất ngủ, thậm chí là ngã quỵ do hoa mắt, chóng mặt.
- Hẹp ống sống: Đến một giai đoạn nhất định, tại khu vực cột sống cổ bị thoái hóa sẽ xuất hiện gai xương. Không gian tủy sống do vật cũng bị thu hẹp đáng kể gây ra biến chứng hẹp ống sống. Người bệnh thường có cảm giác tê, yếu cơ tại các chi và thân mình. Bệnh có thể gây liệt nếu không phát hiện ngăn chặn sớm.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoái hóa đốt sống cổ kéo dài sẽ gây ra thoát vị đĩa đệm cổ. Quá trình điều trị lúc này sẽ trở nên khó khăn hơn và các biến chứng cũng xuất hiện nhiều hơn. Nguy cơ người bệnh bị rối loạn cảm giác và đại tiểu tiện là rất cao. Thậm chí, khi dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép nặng, người bệnh có thể mất khả năng vận động, nguy hiểm hơn là liệt hoàn toàn.
Với những biến chứng bệnh kể trên, việc điều trị thoái hóa đốt sống cổ từ sớm là cần thiết. Dù lựa chọn chữa trị bằng phương pháp nào thì mục tiêu hướng đến sẽ là giảm đau nhức, duy trì các hoạt động tối thiểu của người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị thoái hóa đốt sống cổ cũng sẽ hướng đến việc giảm thiểu tổn thương thần kinh, tủy sống, ngăn ngừa các biến chứng bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.
Công dụng tuyệt vời của bấm huyệt chữa thoái hoá đốt sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ là quá trình bệnh lý diễn ra ở các đốt sống cổ, bắt đầu bằng những hiện tượng như các đốt sống bị suy giảm chức năng; bao hoạt dịch, dây chằng lệch khỏi vị trí giải phẫu ban đầu. Dần dần về sau xuất hiện các hiện tượng thoái hóa cột sống, phổ biến nhất là đoạn C5 – C6 – C7 gây đau đớn khi vận động vùng cổ.
Bấm huyệt là liệu pháp điều trị sử dụng lực ở tay để tác động lên một vị trí được gọi là huyệt đạo trên cơ thể. Từ đó tạo ra một kích vật lý tác động trực tiếp lên các dây thần kinh, mạch máu và các cơ quan thụ cảm thể để trị bệnh.
Theo quan điểm của Đông y, trong cơ thể con người có một hệ thống kinh lạc gồm kinh mạch và lạc mạch. Hệ thống này đóng vai trò vận chuyển khí huyết để nuôi dưỡng các cơ quan tạng phủ và da lông cân mạch của cơ thể. Khi tà khí xâm nhập, kinh mạch lại trở thành đường dẫn truyền khiến cho khí huyết bị ứ tắc, biểu hiện ra thành các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi, suy nhược tinh thần,…
Bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ có tác dụng thông kinh lạc, mạnh gân cốt, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi vận động. Đồng thời, xoa bóp bấm huyệt cũng giúp cho các khớp tăng cường tính linh hoạt, dẻo dai và dự phòng tốt các tổn thương bởi tác nhân bên ngoài.
Đã có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng đặc biệt hiệu quả của chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng bấm huyệt trong một số trường hợp, cụ thể như sau:
Khi được tác động vào các huyệt đạo, cơ thể người bệnh sẽ kích thích tăng sinh sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, các chất gây hưng phấn như endorphin, dopamine,… có tác dụng giảm mệt mỏi nóng giận, giảm đau và ức chế các gốc tự do gây viêm cho cơ thể.
Bấm huyệt trị thoái hóa đốt sống cổ giúp tăng cường quá trình tuần hoàn, lưu thông máu; từ đó thúc đẩy quá trình tái tạo và làm lành các mô sụn, dây chằng bị tổn thương.
Tác dụng lực từ bàn tay làm thư giãn các mô và giải phóng các rễ dây thần kinh bị chèn ép. Do vậy mà bấm huyệt xoa bóp giúp ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm do thoái hóa các đốt xương gây ra.
Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa thoái hoá đốt sống cổ hiệu quả
Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng xoa bóp, bấm huyệt là liệu pháp hỗ trợ giảm đau hiệu quả mà không có tác dụng phụ đi kèm. Vì vậy, ngày càng có nhiều bệnh nhân lựa chọn liệu pháp này để điều trị bệnh.
Dưới đây là hướng dẫn cụ thể cách xoa bóp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ hiệu quả mà người bệnh có thể tham khảo.
Xoa bóp và xác định các huyệt vị trước khi tiến hành
Xoa bóp và xác định huyệt vị là thao tác đầu tiên khi giúp bệnh nhân chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng bấm huyệt. Trước tiên các mô cơ cần được thư giãn và làm nóng bằng một số thao tác như sau:
- Đối với cơ vùng cổ: Sử dụng ngón tay cái và các ngón còn lại xoa bóp massage lên vùng cổ với lực vừa phải trong vùng 5 phút từ dưới lên trên. Sau đó xoa bóp ngược lại từ trên xuống dưới trong 5 phút tiếp theo.
- Đối với cơ vùng gáy: Đan hai bàn tay với nhau và đặt sau gáy, rồi tiến hành chà xát nhẹ nhàng từ chân tóc xuống phía vai trong vòng 3 phút. Tiếp đến dùng tay phải bấm và day vào các đốt sống cổ từ trên xuống trong vòng khoảng 3 phút.
- Đối với cơ vùng bả vai: Cúi đầu về phía trước, nhẹ nhàng xoa bóp toàn bộ vai trái. Sau đó nắm tay thành nắm đấm, đấm nhẹ nhàng lên các cơ bắp ở vai đối diện trong khoảng 10 phút để các cơ dần được giãn ra.
Khi bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ cần xác định chính xác các huyệt vị, tránh tác động nhầm vị trí trong quá trình chữa bệnh.
- Huyệt phong trì: Đây là huyệt đạo nằm ở phía sau mỏm xương chũm, sát với bờ dưới xương chẩm, ngay sau tai chỗ hõm chân tóc.
- Huyệt kiên tỉnh: Kiên tỉnh nằm ở chỗ lõm vùng bả vai, là giao điểm của đường thẳng vắt ngang đầu, ngực với đường ngang nối huyệt đại chùy và điểm cao nhất của xương đòn.
Cách xác định dễ dàng nhất là chỉ cần giơ ngang tay ra sẽ thấy huyệt này ở phần lõm của vai, lúc ấn nhẹ có cảm giác ê tức.
- Huyệt bách hội: Đây là huyệt đạo nằm ở ngay chính giữa đỉnh đầu, là giao điểm của đường thẳng dọc giữa đầu với đường ngang qua phía trên đỉnh vành tai.
- Huyệt á thị: Huyệt á thị đạo không có vị trí nhất định và cũng không phải luôn tồn tại trên cơ thể. Huyệt này có thể trùng với một số huyệt đạo khác và chỉ thấy xuất hiện ở vị trí đau. Để xác định, người bệnh dùng đầu ngón tay ấn nhẹ nhàng vùng đau, vị trí huyệt á thị là điểm cho cảm giác đau nhất.
- Huyệt hậu khê: Vị trí của huyệt hâu khê được xác định là chỗ lõm phía sau khớp xương ngón và bàn của ngón út, ngang với đầu trong đường vân tim ở bàn tay, là nơi giao nhau của da gan bàn tay và mu tay.
Cách thực hiện liệu pháp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Đây là thao tác quan trọng nhất, bệnh nhân có thể tiến hành cụ thể như sau:
Đối với Huyệt phong trì
Cách thực hiện:
- Bước 1: Dùng 2 ngón tay cái bấm vào hai huyệt phong trì, đồng thời dùng các ngón còn lại ôm lấy vùng đầu.
- Bước 2: Dùng lực bàn tay giữ và ấn mạnh huyệt đạo trong khoảng 1 – 2 phút cho tới khi thấy nóng.
- Bước 3: Tiến hành quy trình bấm huyệt phong trì trên khoảng 7 – 8 lần mỗi ngày để có tác dụng giảm đau hiệu quả.
Đối với Huyệt kiên tỉnh
Cách thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh dùng ngón tay trỏ hoặc ngón giữa của tay phải bấm vào huyệt kiên tỉnh phía bên trái trong vòng 90 giây.
- Bước 2: Nhẹ nhàng thả ra, rồi đổi tay và thực hiện quy trình tương tự với huyệt bên phải.
- Bước 3: Lặp lại 2 bước trên khoảng 7 – 8 lần mỗi ngày sẽ nhận thấy các triệu chứng được cải thiện rõ rệt.
Đối với Huyệt bách hội
Cách thực hiện:
- Bước 1: Bệnh nhân dùng ngón tay giữa đặt chính xác vào vị trí huyệt bách hội.
- Bước 2: Dùng lực ngón tay ấn vào huyệt đạo trong khoảng từ 30 – 45 giây cho đến khi nhận thấy cảm giác tê ở da đầu.
- Bước 3: Tiến hành quy trình bấm huyệt trên khoảng 5 lần mỗi ngày để tăng cường lưu thông máu, giảm co cứng cổ hiệu quả.
Đối với Huyệt á thị
Cách thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh dùng ngón tay cái chính xác vào vị trí huyệt á thị.
- Bước 2: Dùng lực ấn và day nhẹ huyệt vị, giữ nguyên động tác trong khoảng từ 30 – 45 giây.
- Bước 3: Lặp lại 2 bước trên khoảng 5 lần mỗi ngày để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Đối với Huyệt hậu khê
Cách thực hiện:
- Bước 1: Bệnh nhân dùng ngón tay cái của bàn tay phải dùng lực ấn chính xác và nhẹ nhàng vào vị trí huyệt hậu khê ở bàn tay trái trong vòng 2 phút.
- Bước 2: Nhẹ nhàng thả tay ra và thực hiện bấm huyệt tương tự với huyệt đạo bên phải.
- Bước 3: Tiến hành quy trình trên khoảng 5 lần mỗi ngày sẽ thấy triệu chứng co cứng vai gáy được cải thiện nhanh chóng.
Thư giãn sau quá trình bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Sau khi trị liệu, người bệnh nên thực hiện một vài động tác thư giãn để nâng cao tác dụng của quá trình bấm huyệt.
- Cúi ngửa cổ: Bệnh nhân ngồi thẳng lưng rồi từ từ cúi đầu về phía trước cho đến khi cằm chạm với ngực. Giữ nguyên tư thế trong 10 – 15 giây rồi lại từ từ ngửa đầu hết cỡ ra phía sau. Lặp lại các động tác cúi ngửa cổ 5 – 7 lần.
- Kéo giãn cơ cổ: Người bệnh ngồi thẳng lưng, cân bằng 2 vai. Dùng tay trái đặt giữ đỉnh đầu rồi kéo dãn hết cỡ cổ về phía phải. Thực hiện kéo giãn tương tự đối với bên còn lại và lặp lại quy trình cho mỗi bên khoảng 5 – 7 lần.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ
Liệu pháp bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ sẽ có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ giảm đau và cải thiện lưu thông máu hiệu quả. Tuy nhiên nhiều bệnh khi thực hiện không thấy các kết quả do chưa xác định đúng huyệt vị cũng như còn một số sai sót trong quá trình thực hiện.
Do vậy, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý những điểm sau:
- Bấm huyệt trị thoái hóa đốt sống cổ chỉ là một liệu pháp chứ không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp điều trị như dùng thuốc hay phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.
- Cần kiên trì thực hiện đều đặn vì bấm huyệt không thấy tác dụng ngay. Người bệnh nên trị liệu trong vòng 1 – 2 tháng liên tục sẽ nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Trong quá trình trị liệu, nên kết hợp với một số biện pháp vật lý trị liệu khác như châm cứu, diện chẩn hay sử dụng các máy giãn cơ chuyên dụng.
- Khi thực hiện động tác xoa bóp, bấm huyệt, bệnh nhân cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh sử dụng lực tay quá mạnh bởi rất dễ gây bầm tím trên da làm tổn thương mô mềm và các bộ phận liên quan đến vùng tổn thương.
- Những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên cần được kiểm tra về mật độ xương trước khi xoa bóp hay bấm huyệt, vì ở những đối tượng này, tỷ lệ loãng xương là rất cao.
- Chống chỉ định với trường hợp bị chấn thương vùng cổ và các trường hợp sưng tấy, lở loét do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi xoa bóp, bấm huyệt.
- Kết hợp trị liệu với một chế độ ăn uống dành riêng cho bệnh nhân thoái hóa cột sống, sinh hoạt điều độ khoa học để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Tránh các động tác làm gia tăng áp lực vùng cổ như bẻ gập cổ đột ngột, ngủ sai tư thế và mang vác vật nặng trên vai.
Trên đây là một số thông tin mang tính chất tham khảo về quá trình bấm huyệt chữa thoái hóa đốt sống cổ. Người bệnh nên tìm đến các thầy thuốc Đông y để được hướng dẫn thực hiện các động tác bấm huyệt chính xác và thuần thục nhất.
Mọi thắc mắc hay câu hỏi về bệnh bạn đọc có thể liên hệ với BS.CKII Trần Thị Thu Huyền hoặc Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường để được giải đáp kịp thời!