Bệnh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện nên không có khả năng chống lại các virus gây bệnh. Trong thực tế là những trẻ lớn hơn và người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Mùa xuân, mùa hè và mùa thu là ba thời điểm mà trẻ em cũng như người lớn rất dễ mắc bệnh.
Con bạn có thể mắc bệnh truyền nhiễm này khi tiếp xúc với một người từng bị bệnh hoặc tiếp xúc với virus qua đồ chơi, bàn ghế hay tay nắm cửa, qua đường phân và miệng, ngoài ra còn qua nước bọt, đờm dãi do bệnh nhân khạc nhổ ra. Hiện nay chưa có thuốc tiêm phòng và điều trị hữu hiệu.
Triệu chứng bệnh tay chân miệng
- Trẻ mệt mỏi
- Đau họng, chảy nước bọt liên tục và xổ mũi trong vài ngày
- Sốt nhẹ (38 – 38.5 độ c)
- Ở một số trường hợp trẻ sốt cao từ 39 – 40 độ c
- Giai đoạn toàn phát:
- Trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn.
- Khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường.
- Vòm họng, niêm mạc má, nướu răng, lưỡi: xuất hiện những vết loét đỏ do các bóng nước vỡ ra có đường kính 2-3mm ở.
- Trên da trẻ: xuất hiện bóng nước, có đường kính 2 – 10mm, hình bầu dục, hoặc hơi tròn, nổi cộm hay ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau, khi bóng nước khô để lại vết thâm da.
- Một số trường hợp trẻ chỉ có dấu hiệu loét miệng, các bóng nước trên da xuất hiện rất ít, hoặc không rõ ràng dạng bóng nước, mà chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban.
Điều trị bệnh Tay chân miệng
Điều trị TCM chủ yếu là điều trị triệu chứng sốt và giảm đau bằng thuốc paracetamol, cho uống dung dịch oresol hay truyền dịch để chống mất nước. Bệnh gây biến chứng nguy hiểm là viêm màng não, viêm màng liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp, có thể gây tử vong và diễn biến rất nhanh, trong 24 giờ.
Theo y học cổ truyền, lạn hầu sa hay tinh hồng nhiệt bệnh là một chứng bệnh rất nguy hiểm, nên trong sách Hầu chứng thông luận nói rõ: Cuống họng là cửa ngõ của sinh khí ra vào, mắc bệnh ở đó rất có quan hệ đến sự sống còn. Y giả cần phải biết bệnh nguyên với sự hư, thực, đờm, hỏa, phong, nhiệt độc khác nhau thế nào; ngoài ra lại cần phải xét tới mạch lý cho đích xác thì mới mong điều trị được. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh TCM hoàn toàn giống mô tả tinh hồng nhiệt bệnh trong y học cổ truyền, nên có thể phối hợp Đông Tây y để trị bệnh này.
Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện là các mụn nước ở họng, hầu, tay, chân…
Nguyên nhân gây bệnh do thời tiết bất thường, lúc nóng lúc rét; khí độc tràn lan phạm vào phế, vị gây ra chứng phát nhiệt, ố hàn, nhiệt nhiều hàn ít, cuống họng đau, mình nổi ban chẩn, gọi là tinh hồng nhiệt bệnh. Người bệnh có triệu chứng phát nhiệt ố hàn, nhiệt nhiều hàn ít, cuống họng đau, đầu đau nhức, lồng ngực đầy và buồn bực, nôn ọe, hơi thở ra nóng và hôi, đại tiểu tiện ít và bí, mình mọc ban chẩn, miệng khát muốn uống nước. Nếu để lâu không chữa, nhiệt độc tăng nhiều, phế, vị sẽ bị tổn thương, cuống họng lở nát, đau đớn khó nuốt được nước, hơi thở ra nóng và có mùi khó chịu, đại tiểu tiện bí, tinh thần mê man, nói năng lảm nhảm. Nếu những nốt chẩn bỗng dưng sạm đen, tức là vị phủ đã bị hư, không chữa được nữa. Sau đây là một số bài thuốc hỗ trợ trị bệnh.
Thuốc uống
Người bệnh phát sốt, sợ lạnh, nhiệt nhiều hàn ít, họng đau, đầu nhức, lồng ngực đầy và buồn bực, nôn ọe, hơi thở ra nóng và hôi, đại tiểu tiện ít và bí, mình mọc ban chẩn, miệng khát muốn uống nước. Dùng các bài sau:
Bài 1 – Gia vị Ngân kiều tán: ngân hoa 40g, liên kiều 40g, trúc diệp 16g, kinh giới 16g, ngưu bàng 24g, cúc hoa 24g, thạch cao 40g, đại hoàng 12g, cát cánh 24g, bạc hà 24g, cam thảo 20g, đậu sị 20g, tang diệp 24g, tri mẫu 24g, hoạt thạch 24g. Các vị sấy khô, tán bột. Mỗi lần uống 24g, đun lô căn làm thang. Bệnh nặng cách 2 giờ uống 1 lần; bệnh nhẹ cách 3 giờ uống 1 lần. Trẻ em tùy tuổi giảm liều. Có thể gia giảm liều lượng để chuyển thành thuốc thang.
Gia giảm: Lồng ngực tầy tức buồn bực, thêm hoắc hương 12g, uất kim 12g; khát nhiều thêm thiên hoa phấn 20g; họng sưng đau, thêm mã bột 12g, huyền sâm 20g; nếu đổ máu cam, giảm bỏ kinh giới, đậu sị, thêm bạch mao căn 12g, huyền sâm 20g; nếu ho, thêm hạnh nhân 12g. Nếu đã 2, 3 ngày mà bệnh không bớt, phế nhiệt sắp dẫn vào lý, thêm sinh địa 20g, mạch mô đông 20g. Nếu vẫn chưa khỏi hoặc tiểu tiện ít, thêm tri mẫu 20g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g, mạch đông 20g, sinh địa 20g. Sắc uống.
Bài 2 – Thanh ôn bại độc gia giảm: sinh thạch cao 30g (sắc trước), sinh địa 10g, hoàng liên 8g, chi tử 10g, huyền sâm 12g, đan bì 10g, sừng trâu 20g, cát cánh 6g, tiên trúc diệp 8g, cam thảo 5g. Sắc uống.
Bài 3 – Thanh dinh thang: huyền sâm 20g, sừng trâu 20g, sinh địa 24g, tiên trúc diệp 12g, đan sâm 16g, mạch môn đông 12g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, hoàng liên 4g. Sắc uống. Trị bệnh nhiệt làm tổn thương phần âm, tim hồi hộp, miệng khát.
Nếu để lâu không chữa, nhiệt độc tăng nhiều, phế, vị sẽ bị tổn thương, họng lở nát, đau đớn khó nuốt được nước, hơi thở ra nóng và có mùi khó chịu, đại tiểu tiện bí, tinh thần mê man, nói năng lảm nhảm, cho uống bài Hóa ban thang: thạch cao 40g, tri mẫu 16g, cam thảo 12g, huyền sâm 12g, sừng trâu 15 – 20g, ngạnh mễ 20g. Sắc uống. Trẻ em tùy tuổi giảm liều lượng.
Ngân hoa là vị thuốc trong bài Gia vị Ngân kiều tán trị bệnh TCM.
Thuốc bôi ngoài
Bài 1 – Tích loại tán: tượng nha tiết 0,12g, thanh đại 0,16g, bích tiền (trứng nhện) 20 cái, ngưu hoàng 0,02g, trân châu 0,2g, mai phiến 0,012g, chỉ xác 0,02g. Các vị tán bột mịn, để trong lọ kín. Mỗi lần dùng 0,05g, lấy tăm bông chấm thuốc hoặc thổi vào nơi đau trong cổ họng.
Bài 2 – Thuốc cam xanh: mỗi lần dùng 0,05g, lấy tăm bông chấm thuốc hoặc thổi vào nơi đau trong cổ họng; hòa trộn với ít nước, chấm lên các vết trên chân tay.