TẮC TIA SỮA – Nỗi ám ảnh của các bà mẹ sau sinh

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ có thể gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Nếu không được xử lý kịp thời, dễ dẫn đến viêm nhiễm tuyến vú, áp xe vú gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ. Vậy nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này như thế nào? Các mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để nắm bắt những thông tin liên quan nhé.

Thế nào là tắc tia sữa

Theo BS CKII Trần Thị Thu Huyền cho biết tắc tia sữa là tình trạng một lượng sữa bị giữ lại phía bên trong bầu ngực tại các ống dẫn sữa. Điều này gây khó khăn cho quá trình bú sữa của bé yêu hay việc mẹ hút sữa tích trữ. Tắc tia sữa không gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ. Tuy nhiên, nếu không được xử lý và khắc phục kịp thời, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của mẹ. Cụ thể như bệnh lý viêm, nhiễm trùng tuyến vú, áp xe vú, u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc sữa làm tăng khả năng mẹ có thể phải nuôi con bằng sữa ngoài.

Hình ảnh giải phẫu tắc tia sữa

Cơ chế tiết sữa

Do prolactin:

– Khi bé bú mẹ thì động tác mút vú như một kích thích lên tuyến yên khiến tuyến này sản sinh ra một loại nội tiết là prolactin. Và chính nội tiết prolactin này kích thích hồi tác trở lại tuyến vú khiến các tuyến vú làm việc và sản xuất ra sữa. Do vậy, bé càng mút vú, sữa mẹ sẽ càng tạo nhiều.

– Nếu bà mẹ không cho bé bú hoặc bú ít thì vú sẽ giảm và ngưng tiết sữa.

– Khi bé không bú hết, lượng sữa tồn đọng trong vú sẽ là chất ức chế, ngăn cản sự tạo sữa.

– Prolactin được tiết ra nhiều về đêm.

Do oxytocin

– Oxytoxin cũng là một chất do tuyến yên tiết ra khi cho bé mút vú mẹ, làm cho sữa trong vú chảy ra khi bé bú mẹ.

– Khi mẹ cảm thấy hài lòng, thương yêu trẻ và tin tưởng sữa mình là tốt nhất cho trẻ, điều này giúp tăng tiết sữa.

–  Nếu mẹ lo lắng hoặc nghi ngờ là mình không đủ sữa, sữa mẹ sẽ ngừng chảy.

Quy trình tạo sữa

Sau khi sinh, vú mẹ tiết ra một ít sữa non có màu vàng nhạt và sánh. Sau đó, mẹ sẽ cảm thấy hai vú căng đầy, gọi là xuống sữa. Sự xuống sữa sẽ xảy ra nhanh nếu bé được cho bú ngay sau khi sinh. Thời gian tiếp theo, mẹ có cảm giác bầu vú ít căng hơn, nhưng sữa vẫn đang tiếp tục được sản xuất và đủ cho bé ít nhất từ 4 đến 6 tháng tuổi. Việc cho trẻ bú sớm còn giúp cho dạ con (tử cung) co hồi tốt và làm ngưng chảy máu sau khi sinh, trẻ bú sớm thì sữa xuống nhanh.

Hình ảnh cơ chế tạo sữa

Các nguyên nhân gây tắc tia sữa sau sinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tia sữa ở phụ nữ cho con bú, Bác sĩ Trần Thị Thu Huyền chỉ ra một số nguyên nhân như sau:

Mới sinh con: Sau khi sinh, một số người gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Sữa đã có nhiều trong bầu ngực nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được. Việc ứ đọng sữa dẫn đến vú căng cứng và có thể khiến bạn bị sốt nhẹ.

Sữa mẹ dư thừa: Hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là do sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.

Ngực chịu áp lực: Việc bạn mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc. Ngoài ra, việc nằm sấp khi ngủ và tập luyện thể thao cũng gây ra tình trạng tương tự.

Ít hút sữa ra ngoài: Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết sữa, bạn dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Lực hút của máy yếu không thể hút hết sữa ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tắc tia sữa.

Con ngậm vú mẹ không đúng: Khi bé ngậm vú mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.

Mẹ không cho bú thường xuyên: Do một nguyên nhân nào đó, mà bạn không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày. Điều này cũng có thể dẫn đến tình trạng bị tắc tia sữa.

Stress: Tâm trạng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. Việc sản xuất sữa cũng không nằm ngoài điều đó. Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin¹, giúp vú bạn giải phóng sữa. Vì vậy, hãy để bản thân được thư giãn. Nếu con đang say giấc, bạn cũng nên chợp mắt một chút. Khi đã quá mệt mỏi, hãy nhờ người thân trông bé để bạn có thể ra ngoài hít thở không khí trong lành và lấy lại tinh thần.

Tắc tia sữa sau sinh

Dấu hiệu nhận biết khi mẹ bị tắc tia sữa

Các biểu hiện của tắc tia sữa thường tiến triển một cách từ từ, tuy nhiên, một vài trường hợp lại trở nên nhanh chóng và rất rõ rệt. Cụ thể như sau:

Mẹ cảm thấy một hoặc cả hai bên bầu ngực trở nên căng tức, có cảm giác đau nhức. Tình trạng này có chiều hướng tăng lên mỗi ngày.

Vùng vú của mẹ xuất hiện các khối tròn có bề mặt gồ ghề với những kích thước khác nhau. Khi sờ vào cảm thấy cứng, và đau.

Lượng sữa tiết ra rất ít hoặc không tiết ra dù mẹ đã chủ động vắt sữa ra bên ngoài.

Xuất hiện một số nốt sần nhỏ quanh ngực, vùng ngực có cảm giác nóng bất thường khi chạm vào.

Một vài trường hợp mẹ có thể xuất hiện các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu,…

Đau bụng kinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Biến chứng tắc tia sữa

BS Trần Thị Thu Huyền cho biết nhiều mẹ nghĩ rằng việc tắc tia sữa không nguy hại gì quá lớn, chỉ là bé phải tìm thêm nguồn sữa khác ngoài sữa mẹ nhưng thực tế tắc tia sữa lại vô cùng nguy hiểm, nhất là với mẹ.

Mẹ bị tắc tia sữa có nguy cơ cao mắc áp xe vú, viêm tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú.

  • Viêm tuyến vú: Bầu ngực tiếp tục sưng to và rất đau, sờ bầu ngực thấy có nhiều cục cứng, nặn sữa không ra, đầu vú sưng tấy.
  • Áp xe vú: Gây đau, mưng mủ ở tuyến vú, đau tức dữ dội. Áp xe vú thường xảy ra sau khi người mẹ bị tắc tia sữa từ 1 tuần trở lên mà không được điều trị.
  • Hình thành các dải xơ hóa và u xơ tuyến vú: Do tắc tia sữa lâu ngày không được điều trị. Tình trạng này không quá phổ biến nhưng cũng không hiếm gặp.

Đa phần những mẹ bị tắc tia sữa đều cảm thấy căng tắc, sưng đau vùng ngực, thậm chí là sốt. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe mẹ, nếu kéo dài mẹ có thể bị suy nhược.

Quá trình tiết sữa gặp nhiều ảnh hưởng, mẹ nếu không khắc phục sớm có thể dẫn đến tình trạng mất hẳn sữa.

Phương pháp điều trị tắc tia sữa

Để loại bỏ tình trạng tắc tia sữa, mẹ cần làm tan các vị trí tuyến sữa bị ứ đọng, vón cục. Khi bị tắc tia sữa, thực hiện các thao tác theo phương pháp khoa học dưới đây sẽ giúp ống sữa của mẹ lưu thông nhanh chóng. Gồm có:

Trước khi cho bé bú, mẹ nên cởi hoàn toàn áo ngực để lượng sữa được lưu thông không bị hạn chế. Làm ấm ngực bằng việc đặt một tấm gạc hoặc khăn ấm, kết hợp với massage nhẹ.

Các biện pháp điều trị tắc tia sữa

Mẹ nên cho bé bắt đầu với bên ngực bị tắc. Mẹ cần xoa bóp bầu vú nhẹ nhàng theo chuyển động tròn, bắt đầu từ khía sau của vùng tắc cho tới phía trước núm vú.

Khi mẹ bú không hết, mẹ cần dùng tay hoặc máy hút sữa để loại bỏ phần sữa còn dư, đảm bảo không có sữa đọng lại.

Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý rằng, trong trường hợp tắc sữa kèm biểu hiện sốt, mẹ nên dừng cho bé bú. Bởi bé có thể gặp phải các rối loạn về đường tiêu hóa sau khi bú sữa mẹ.

Nếu phát hiện sớm các triệu chứng của tắc sữa, mẹ có thể khắc phục ngay tại nhà khi áp dụng những cách làm dưới đây:

Mẹ có thể chườm nóng tại vùng ngực bằng việc sử dụng một túi chườm hoặc chai nước nóng ở mức độ vừa phải. Khi chườm, mẹ cần kết hợp massage để làm thông vùng tắc sữa nhanh và hiệu quả hơn.

Trong giai đoạn tia sữa mới bị tắc và vón cục nhẹ ở gần núm vú, mẹ có thể thông tắc bằng việc sử dụng các dụng cụ hút sữa đơn giản.

Khi tắc sữa lâu ngày, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm hay áp xe vú thì mẹ cần sử dụng tới kháng sinh toàn thân dưới dạng uống hoặc tiêm, thậm chí phải tiến hành trích thảo mủ.

Phòng ngừa tình trạng tắc tia sữa

Để ngăn ngừa tình trạng tắc tia sữa, bạn có thể làm theo những gợi ý dưới đây:

  • Cho con bú thường xuyên hoặc sử dụng máy hút để hút hết sữa ra ngoài, không để sữa còn sót lại trong bầu vú sau mỗi cữ bé bú
  • Sử dụng áo ngực hoặc quần áo rộng rãi, thoải mái
  • Uống thật nhiều nước
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, nếu được hãy áp dụng một số bài tập thiền hoặc luyện tập thể thao
  • Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan nhất.

Điều trị tắc tia sữa theo Đông y

Theo BS Trần Thị Thu Huyền thì tắc tia sữa – viêm tuyến vú thuộc phạm vi chứng nhũ ung. Để điều trị triệt để, cần phải thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi sữa.

Bài thuốc Đông y điều trị:

• Kinh giới ngưu bàng thang: kinh tuệ giới 12g, bồ công anh 12g, liên kiều 8g, phòng phong 8g, ngưu bàng tử 12g, tạo cảm thích 4g, kim ngân hoa 8g, sài hồ Bắc 12g, trần bì 8g, hương phụ 8g, hoàng cầm 8g, cam thảo 4g. Sắc thuốc uống 1 ngày 1 thang.
• Hoà nhũ thang gia giảm: bồ công anh 12g, hoàng cầm 12g, kim ngân hoa 16g, thanh bì 8g, qua lâu 12g, sài hồ Bắc 8g, liên kiều 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
• Nếu sản phụ sốt cao có thể cho thêm vị thuốc Đông y: thạch cao 16g, chi tử 12g. Nếu bị viêm sưng to có thể thêm tạo giác thích 12g, xuyên sơn giáp 6g.

Bồ công anh – Vị thuốc chữa tắc tia sữa hiệu quả

Ngoài ra sản phụ có thể sử dụng thêm các thuốc đắp ngoài như:

– Hương phụ 40 g ( dạng bột ), xạ hương 12g. Hai vị thuốc trên trộn lẫn vào nhau, thêm bồ công anh 50g, sắc lấy nước bỏ bã, lấy nước đó hoà với thuốc, đun sôi đặc rồi đắp vào vú đau 1 lần/ngày trong 1 – 3 ngày.
– Sử dụng phương pháp đắp hành: dùng cả củ hành để nguyên rễ, giã nát đắp lên vú bị đau.
– Hoặc có thể dùng 100g lá bồ công anh giã nát, lọc lấy nước uống, bã đắp tại chỗ vú bị đau.

Giai đoạn sắp vỡ mủ hoặc đã vỡ mủ:

Thần hiệu qua lâu tán gia vị: qua lâu 40g, xuyên sơn giáp 10g, sinh cam thảo 20g, đẳng sâm 12g, đương quy 20g, hoàng kỳ 12g, hương phụ 4g, một dược 8g. Sắc bỏ bã, cho thêm 1 chén nhỏ rượu lâu năm uống 3 lần/ngày (sau bữa ăn).
Tắc tia sữa cũng như viêm tuyến vú là căn bệnh cấp tính, cẩn phải được điều trị bằng Đông y và Tây y kịp thời, tích cực để tránh gây ra áp xe vú.
Các sản phụ cần vệ sinh vú hàng ngày, đặc biệt trước khi cho con bú.
Các sản phụ cần được nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt cần phải giữ tinh thần luôn thoải mái, lạc quan.

Các bài thuốc dân gian trị tắc tia sữa hiệu quả an toàn

Khi bị tắc tia sữa thì ngoài việc áp dụng các cách thủ công như xoa bóp, chườm khăn ấm, thay đổi tư thế cho con bú,… thì những bài thuốc dân gian sau đây cực kỳ an toàn và hữu ích cho mẹ:
– Sử dụng hành tím: Củ hành tím xắt thành từng lát và đặt trực tiếp lên bầu ngực (tránh phần ti sữa). Sau đó dùng một khăn mềm băng lại. Mỗi ngày đắp 2 lần, kết hợp với việc xoa bóp thì sau 2 – 3 ngày sẽ hết tắc.
– Lá mít: Hái 2 lá mít đem rửa sạch và hơ nóng trên lửa than, không nên nóng quá rồi đặt trực tiếp lên vùng sữa bị tắc cứng ở bầu ngực. Sau đó dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng từ trên xuống cho đến khi thấy sữa chảy ra.
– Xôi nếp: Lấy một ít xôi nếp còn hơi nóng đem đi bọc trong chiếc khăn vải sạch rồi chườm lên bầu ngực, nên lăn đều từ ngoài vào trong cho đến khi xôi nguội. Như vậy sữa sẽ chảy đều trở lại như bình thường.
– Lá tía tô và rau dừa nước: Nguyên liệu đem đi rửa sạch, giã nát và đắp trực tiếp lên ngực rồi băng lại. Chỉ một vài ngày thì sữa sẽ thông lại nhanh chóng.
Trên đây là thông tin về bệnh lý Tắc tia sữa sau sinh mà Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường muốn chia sẻ đến các bạn. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu nào bất thường của cơ thể, bạn đọc có thể liên hệ với bác sĩ Trần Thu Huyền hoặc Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường để được tư vấn và  điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh.

 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *