Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực đến khả năng vận động của người mắc. Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm, dấu hiệu nhận biết của từng giai đoạn cụ thể ra sao? Bài viết dưới đây của Tuệ Y Đường sẽ thông tin chi tiết về các giai đoạn bệnh để giúp người mắc hiểu hơn về mức độ diễn tiến của căn bệnh này.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Thông thường, cấu trúc của đĩa đệm bao gồm hai phần cơ bản là bao xơ và nhân nhầy.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các lớp nhân nhầy ở trong vùng đĩa đệm của cột sống bị thoát ra bên ngoài và chèn ép lên rễ thần kinh, ống sống. Từ đó gây cho người bệnh cảm giác đau đớn và khó chịu.
Thoát vị đĩa đệm là hệ quả do đĩa đệm bị nứt, rách hoặc do tác động từ các sang chấn bên ngoài. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào trên cột sống. Trong đó, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ thường xảy ra phổ biến nhất.
Đối tượng dễ bị thoát vị đĩa đệm:
-
Người cao tuổi.
-
Người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc.
-
Người thường xuyên đứng hoặc ngồi quá lâu như nhân viên văn phòng, thợ may, tài xế, nhân viên bán hàng…
-
Người có thói quen sinh hoạt không khoa học như kê gối quá cao khi ngủ, ngồi học tập, làm việc không đúng tư thế…
-
Những người làm nghề đòi hỏi phải thay đổi tư thế một cách liên tục như diễn viên múa, vận động viên thể thao…
-
Người mắc các bệnh lý bẩm sinh về cột sống như trượt cột sống, gai cột sống, vẹo cột sống…
Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Thoát vị đĩa đệm gây nên những cơn đau nhức vô cùng khó chịu, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động hàng ngày một cách đáng kể. Theo BS CKII Trần Thu Huyền nếu chủ quan không điều trị, bệnh sẽ gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe. Trong đó phải kể đến như:
Đau rễ thần kinh
Sau khi trải qua những cơn đau lưng, người bệnh sẽ bị đau rễ dây thần kinh. Thông thường, các cơn đau rễ thần kinh thường diễn ra liên tục và kéo dài từ khu vực thắt lưng xuống dưới chân. Mức độ của các cơn đau mạnh mẽ hơn khi người bệnh ho, hắt hơi, đứng hoặc ngồi quá lâu. Đặc biệt, trong quá trình đi lại vận động, bệnh nhân phải dừng lại để nghỉ ngơi rồi mới có thể tiếp tục đi tiếp. Điều này gây ra những bất tiện vô cùng lớn đối với sinh hoạt.
Thoát vị đĩa đệm gây rối loạn cảm giác
Sự rối loạn cảm giác thường diễn ra khi các vùng da ứng với hệ thống các rễ dây thần kinh bị thương tổn. Lúc này, biểu hiện rõ rệt nhất ở người bệnh chính là tê tay, tê chân, mất cảm giác nóng, lạnh.
Gây teo cơ
Một khi tình trạng bệnh lý chuyển biến nặng hơn, các cơ sẽ bị yếu dần đi và teo lại. Không chỉ vậy, thoát vị đĩa đệm còn khiến cho máu không được lưu thông đến cơ và khiến các cơ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết.
Thoát vị đĩa đệm gây rối loạn vận động
Ở mức độ nguy hiểm cao nhất, thoát vị đĩa đệm sẽ khiến cho người bệnh bị tê liệt cả hai chân và không thể đi đứng như bình thường.
Gây rối loạn đại tiểu tiện
Thoát vị đĩa đệm sẽ gây ra hiện tượng bí tiểu và khiến cho người bệnh đi tiểu không kiểm soát được. Nguyên nhân là do cơ thắt bị tê liệt và không thể giữ được nước tiểu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.
Thoát vị đĩa đệm gây ra hội chứng đuôi ngựa
Một biến chứng thường gặp của thoát vị đĩa đệm chính là gây ra hội chứng đuôi ngựa. Lúc này, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác ở vùng đáy chậu, vùng chân trở xuống. Sau đó, bệnh nhân sẽ bị liệt động tác ở ngón chân, bàn chân và cẳng chân.
Các giai đoạn thoát vị đĩa đệm người bệnh nên biết
Bệnh thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp ngày càng phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh gây ra những cơn đau tại vùng thắt lưng hoặc cột sống, gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động trong cuộc sống của người mắc.
Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, thoát vị đĩa đệm có 4 giai đoạn tiến triển từ nhẹ đến nặng. Việc theo dõi và nhận biết các dấu hiệu điển hình giúp xác định giai đoạn mắc bệnh. Điều này rất có ý nghĩa quan trọng giúp quá trình điều trị, giúp việc khám và chữa bệnh diễn ra nhanh chóng, đạt hiệu quả hơn.
Đĩa đệm là bộ phận quan trọng có tác dụng giúp cột sống hoạt động linh hoạt và nhịp nhàng. Khi bị thoái hóa do tuổi tác hoặc vận động sai tư thế có thể gây thoát vị đĩa đệm.
Cụ thể, khi bị tác động tiêu cực, bao xơ đĩa đệm rách khiến nhân nhầy chảy ra ngoài và chèn ép lên hệ thống dây thần kinh cột sống. Điều này gây ra các cơn đau đớn khó chịu cho người mắc.
1. Giai đoạn chớm của bệnh
Đây là giai đoạn khởi phát đầu tiên của căn bệnh xương khớp thoát vị đĩa đệm. Trong giai đoạn này, tác nhân gây bệnh bắt đầu xuất hiện khiến đĩa đệm biến dạng. Tuy nhiên, bao xơ chưa bị rách và nhân nhầy chưa thoát ra ngoài do đó mức độ bệnh chưa thật sự nghiêm trọng.
Theo đánh giá của bác sĩ xương khớp, người bệnh thường ít phát hiện ở giai đoạn này do các cơn đau nhẹ, xuất hiện ít nên có thể lầm tưởng với các chứng đau nhức thông thường. Biện pháp tốt nhất với người bệnh là nên đi thăm khám thường xuyên (định kỳ 6 tháng/lần) để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường sớm nhất. Việc phát hiện bệnh sớm giúp quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hơn.
2. Giai đoạn đĩa đệm phình to
Ở giai đoạn đĩa đệm phình to, bao xơ và vùng sụn ở quanh đĩa đệm cũng đã suy yếu. Vì thế khả năng giữ nhân nhầy ở vị trí ban đầu bị suy giảm. Nhân nhầy sắp thoát khỏi bao xơ khiến đĩa đệm phình to bất thường.
Người bệnh cảm nhận rõ các cơn đau diễn ra nhiều hơn, thường xuyên và dữ dội hơn. Ngoài ra nhiều cơn đau cục bộ diễn ra tại vùng lưng và vùng vai gáy cũng xuất hiện.
Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể xuất hiện biểu hiện tê bì chân hoặc tay. Tuy vậy nếu được phát hiện ở giai đoạn này, quá trình điều trị sẽ diễn ra thuận lợi hơn nhiều so với 2 giai đoạn phía sau.
3. Giai đoạn thoát vị
Đây là giai đoạn bao xơ suy yếu hẳn và rách đứt toàn bộ. Khi đó, nhân nhầy thoát khỏi vị trí cũ tràn vào tủy sống, chèn ép trực tiếp tới các dây thần kinh tại vùng cột sống.
Người bệnh cảm nhận rõ các cơn đau nhói liên tục xuất hiện, mức đau đớn cũng tăng lên. Khi ấy, căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hoạt động của người bệnh. Thậm chí có thể khiến người bệnh không thể di chuyển được.
4. Giai đoạn cuối – Thời kỳ nghiêm trọng nhất
Tại giai đoạn cuối, toàn bộ bao xơ và vùng vòng đĩa đệm đã bị xơ hóa hoàn toàn khiến cho nhân nhầy thoát ra ngoài và chèn ép tới các rễ thần kinh.
Cơn đau xuất hiện dai dẳng hơn với mức đau tăng dần khi người bệnh đứng lên hay ngồi xuống. Nguyên nhân là các rễ thần kinh bị nhân nhầy chèn ép, khớp đốt sống hư có thể xẹp lại. Thậm chí người bệnh có thể bị bại liệt và mất khả năng vận động.
Thông thường, người bệnh sẽ phải trải qua 4 giai đoạn phát triển của bệnh như trên. Nếu không được thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh ở ngay 2 giai đoạn đoạn đầu thì quá trình điều trị bệnh ở những giai đoạn sau rất khó khăn.
Thậm chí, bệnh có thể gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm, khiến người bệnh bị hạn chế cử động và vận động hàng ngày. Ngược lại việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu giúp cho quá trình điều trị, phục hồi nhanh chóng, ít tổn thương hơn. Ngoài ra, phát hiện bệnh sớm cũng giúp người bệnh tránh được những rủi ro không đáng có.
Các loại thoát vị đĩa đệm phổ biến
Bên cạnh việc nhận biết biểu hiện và phát hiện bệnh thông qua các giai đoạn phát triển, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cũng cần biết các loại thoát vị đĩa đệm phổ biến để phát hiện nhanh chóng. Theo đó, nếu căn cứ vào vị trí, thoát vị đĩa đệm có thể được chia thành 3 loại như sau.
- Thoát vị đĩa đệm ra sau: Đây là loại khá phổ biến hiện nay. Bệnh nhân sẽ nhận thấy các triệu chứng đau mỏi, đau lan, tê bì…
- Thoát vị đĩa đệm ra trước: Bệnh nhân hầu như không cảm thấy đau đớn vì nhân nhầy không ảnh hưởng tới dây thần kinh và tủy sống.
- Thoát vị đĩa đệm thân đốt sống/thoát vị đĩa đệm nội xốp: Dạng bệnh ít gặp hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Việc nắm bắt các giai đoạn thoát vị đĩa đệm giúp người bệnh hiểu biết rõ hơn về căn bệnh. Từ đó có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh gây biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, người bệnh nên chủ động điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình.
Tuệ Y Đường kính chúc quý vị thật nhiều sức khỏe.