Hội chứng ống cổ tay hiện nay đang dần trở nên phổ biến hơn, nhiều người đang có những dấu hiệu sớm về bệnh lý này. Bệnh có diễn biến khá chậm nhưng nếu phát hiện muộn, bệnh ở giai đoạn nặng thì biến chứng của nó rất khó lường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sinh hoạt
Vậy làm thế nào để nhận biết sớm cũng như điều trị hiệu quả hội chứng ống cổ tay, hãy cùng Đông y Tuệ Y Đường tìm hiểu nhé!
Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI. Nguyễn Nhật Minh
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
– Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua ống cổ tay, gây viêm, đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác, thậm chí gây teo cơ, yếu cơ, giảm vận động của vùng bàn tay thuộc dây thần kinh giữa chi phối
– Giải phẫu dây thần kinh giữa:
+ Dây thần kinh giữa xuất phát từ bó ngoài và bó trong của đám rối thần kinh cánh tay
+ Đi xuống cánh tay dọc theo động mạch cánh tay rồi xuống cẳng tay
+ Nằm giữa các cơ gấp chung các ngón nông và gấp chung các ngón sâu
+ Khi đến cổ tay, thần kinh giữa đi trong ống cổ tay để xuống gan tay và chia ra các nhánh tận ở đó
– Do nằm trong một cấu trúc không co giãn được nên khi có sự tăng thể tích của các gân gấp bị viêm (hay các tư thế gấp duỗi cổ tay quá mức và thường xuyên) thì sẽ tạo một lực chèn ép lên các mạch máu nuôi nhỏ đi sát bên dây thần kinh, gây ra tình trạng thiểu dưỡng
– Tăng áp lực trong ống cổ tay dẫn đến rối loạn dẫn truyền sợi trục và thiếu máu màng ngoài của dây thần kinh. Lâu dần gây các triệu chứng lâm sàng tổn thương dây giữa
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây nên hội chứng ống cổ tay
2.1 Nguyên nhân
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép, dưới đây là một số nguyên nhân làm cho dây thần kinh giữa bị chèn ép:
- Công việc phải vận động cổ tay nhiều
- Chấn thương do dụng cụ cầm tay
- Thoát vị bao hoạt dịch khớp cổ tay
- Viêm, xơ hóa các dây chằng vùng cổ tay
- Có thể gặp trong trường hợp viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường, nhiễm độc rượu mạn tính
2.2 Yếu tố nguy cơ
- Phụ nữ có tỉ lệ mắc cao hơn nam giới gấp 3 lần
- Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay
- Ngoài ra, sau tổn thương cổ tay như: tình trạng viêm khớp, dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hay cả các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương làm thay đổi không gian trong ống cổ tay.
- Những người làm các nghề phải vận động cổ tay nhiều như: tài xế, thợ cắt tóc, thu ngân, đánh máy,… có tỉ lệ cao mắc tình trạng này
>> Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Tuệ Y Đường điều trị hội chứng cổ vai cánh tay
3. Triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Triệu chứng điển hình của hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Rối loạn về cảm giác: tê bì tay chân, dị cảm, đau buốt do kim châm, hoặc rát bỏng ở vùng da thuộc chi phối của dây thần kinh giữa (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út), các triệu chứng này biểu hiện từ cổ tay đến các ngón. Đôi khi có thể đau lan lên trên cẳng tay, thậm chí tới cánh tay.
- Rối loạn vận động: cầm nắm khó, các động tác khéo léo của bàn tay giảm, hay đánh rơi đồ vật.
Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường xuất hiện vào ban đêm. Theo thời gian, các triệu chứng cũng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn
4. Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Theo Hội Thần kinh học Hoa Kỳ, để chẩn đoán chính xác người bệnh có mắc bệnh hay không, bác sĩ sẽ phối hợp giữa lâm sàng và thăm dò điện sinh lý thần kinh. Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào các tiêu chuẩn bao gồm:
– Có ít nhất một trong các triệu chứng cơ năng bao gồm: đau xương ống cổ tay; dị cảm bàn tay; tê bì bàn tay; giảm hoặc mất cảm giác vùng thần kinh giữa chi phối; yếu cổ và bàn tay, có thể xảy ra ban ngày, ban đêm hoặc liên tục cả ngày.
– Có ít nhất một triệu chứng thực thể bao gồm nghiệm pháp Phalen, Tinel, Durkan dương tính.
– Nghiệm pháp Phalen: Để người bệnh gấp hai cổ tay 90 độ sát vào nhau trong thời gian ít nhất là 60 giây. Nghiệm pháp Phalen ngược thì thay bằng động tác duỗi hai cổ tay. Nghiệm pháp dương tính nếu bệnh nhân xuất hiện, hoặc tăng các triệu chứng về cảm giác thuộc chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
– Nghiệm pháp Tinel: Gõ vào vùng ống cổ tay (có thể dùng tay hoặc búa phản xạ), nghiệm pháp dương tính khi gõ sẽ gây cảm giác tê hoặc đau theo vùng da chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
– Nghiệm pháp Durkan: Người khám trực tiếp làm tăng áp lực tại cổ tay bệnh nhân bằng cách sử dụng ngón cái ấn vào vị trí giữa nếp gấp cổ tay. Nghiệm pháp được coi là dương tính khi bệnh nhân thấy tê bì, đau tăng lên theo sự phân bố thần kinh khi ấn và giữ trên 30 giây.
– Có ít nhất 1 trong 2 chỉ số hiệu tiềm vận động và cảm giác thần kinh giữa với thần kinh trụ cao hơn chỉ số bình thường
– Kết hợp với cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác và tối ưu nhất:
+ Siêu âm cổ tay: Xác định tình trạng viêm dây thần kinh giữa dựa vào kích thước thiết diện cắt ngang trên siêu âm
+ Đo dẫn truyền điện thần kinh: là phương pháp để chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ tay cũng như mức độ tổn thương dây thần kinh giữa
+ X- quang cổ tay: có vai trò trong việc loại trừ các bệnh lý khác ở cổ tay cũng gây đau tương tự hoặc tìm nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay
>> Mọi thắc mắc của bạn đọc vui lòng liên hệ hotline: 0789.501.555 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời
5. Điều trị hội chứng ống cổ tay
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh. Các phương pháp chữa trị gồm:
- Điều trị nội khoa: Được chỉ định trong giai đoạn đầu của hội chứng viêm đau ống cổ tay trên lâm sàng.
- Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid, hoặc dùng corticoid đường uống; đồng thời hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay
- Tiêm hội chứng ống cổ tay dưới hướng dẫn siêu âm: Cho phép đưa thuốc chính xác vào vị trí tiêm, tránh các tổn thương vào thần kinh giữa và mạch máu.
- Vật lý trị liệu: Áp dụng phương pháp nẹp cổ tay vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày. Những nghiên cứu cho thấy dùng nẹp cổ tay có thể làm cải thiện các triệu chứng sau 4 tuần điều trị
- Điều trị ngoại khoa: Phương pháp này được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng để ngăn chặn tình trạng tổn thương thần kinh không hồi phục
6. Các thói quen tốt dành cho người bị hội chứng ống cổ tay
6.1 Nghỉ ngơi sau thời gian nhất định thực hiện các động tác lặp lại:
- Dù bạn đang làm việc nhẹ nhàng như chơi guitar, đánh máy hay làm việc nặng yêu cầu sức lực bàn tay như sử dụng máy khoan, cuốc đất,… nếu thực hiện trong thời gian dài đều làm tăng áp lực cho dây thần kinh cánh tay
- Giữa các khoảng làm việc, hãy dành ít thời gian để nghỉ ngơi, thực hiện các bài tập đơn giản để cải thiện tình trạng trên
6.2 Giữ cổ tay thẳng:
- Những người bị hội chứng ống cổ tay thường khó hoạt động cổ tay, một lưu ý nhỏ là nên tránh các động tác khiến cổ tay uốn cong quá nhiều về cả hai hướng
- Thay vào đó, giữ cho tay thẳng càng nhiều thì tình trạng đau càng ít, dây thần kinh hàng giảm bị chèn ép
6.3 Giữ ấm tay:
- Cơn đau, tê nhức do hội chứng ống cổ tay thường có xu hướng nặng hơn khi tiếp xúc với không khí lạnh
- Giữ ấm cũng là một cách đơn giản mà hiệu quả để giảm tê đau nhanh chóng. Bạn có thể dùng găng tay không che ngón hoặc gang tay cho riêng lòng bàn tay nếu bị hội chứng ống cổ tay
6.4 Thư giãn:
- Không nên chỉ thư giãn và luyện tập cử động cổ tay khi có dấu hiệu mỏi sau khi làm việc hay giữ nguyên 1 tư thế, nên thực hiện thường xuyên 1 – 2 giờ mỗi lần
- Khi cảm thấy bản thân đang bị căng thẳng quá mức, hãy điều tiết lại công việc để bạn có thời gian nghỉ ngơi và luyện tập nhiều hơn
>> Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Thoái hóa khớp gối – triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
7. Các bài tập điều trị hội chứng ống cổ tay
Dưới đây là một số bài tập đơn giản, dễ làm, người bị hội chứng ống cổ tay có thể áp dụng tập luyện bất cứ lúc nào khi rảnh rỗi
7.1 Bài tập thứ 1: Tư thế cầu nguyện
Bạn bắt đầu tập bằng tư thế chắp tay giống như cầu nguyện, sau đó tách các ngón tay ra xa nhất có thể, sau đó “gác chuông” các ngón tay lại. Đến lượt hai lòng bàn tay tách ra trong khi các ngón tay giữ lại với nhau.
Bài tập này có tác dụng kéo căng gân gan bàn tay và cấu trúc ống cổ tay, từ đó giảm tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa. Những người bị chèn ép dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay thì động tác này giúp cải thiện triệu chứng rất hiệu quả
7.2. Bài tập thứ 2: Lắc tay đơn giản
Bạn thực hiện lắc tay giống như tư thế lắc tay khi vừa rửa tay xong để tay khô tự nhiên trong không khí. Cùng động tác này nhưng hãy thực hiện nhiều lần mỗi khi có thời gian trong ngày
Bài tập lắc tay đơn giản này tập trung tăng cường, giữ cho các cơ gấp của bàn tay và dây thần kinh giữa không bị chèn ép, căng cứng hay chuột rút. Luyện tập thường xuyên bạn sẽ thấy hiệu quả đáng kể
7.3. Bài tập thứ 3: Xòe ngón tay kết hợp duỗi cổ tay
Cách thực hiện như sau:
- Đặt một cánh tay thẳng ra trước mặt, duỗi thẳng khuỷu tay, mở rộng cổ tay sao cho các ngón tay hướng xuống sàn
- Các ngón tay bắt đầu xòe ra, dùng tay còn lại xoa bóp nhẹ nhàng lên cổ tay, bàn tay hướng xuống. Lưu ý trong lúc này, cổ tay và các ngón tay duỗi ở mức tối đa
- Giữ tư thế linh hoạt cổ tay và các ngón tay tối đa khoảng 20 giây
- Đổi bên tay và lặp lại tư thế
Nên thực hiện động tác này 2 – 3 lần mỗi bên cánh tay và lặp lại hàng giờ. Nhiều người bị hội chứng ống cổ tay thực hiện kiên trì động tác này, độ linh hoạt đã được cải thiện đáng kể
Hội chứng ống cổ tay không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, lao động của chúng ta, tình trạng này kéo dài thì hậu quả càng nặng nề hơn
Vậy nếu thấy bất kỳ một trong các triệu chứng trên hãy chủ động đi khám và điều trị sớm để tránh những hậu quả không đáng có sau này, kèm theo kết hợp các biện pháp thư giãn và tập luyện để có một sức khỏe dẻo dai
Bài viết trên đây giới thiệu về hội chứng ống cổ tay, cách nhận biết, điều trị và các bài tập, hi vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc phần nào. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào về hội chứng ống cổ tay nói riêng hoặc bệnh lý cơ xương khớp nói chung vui lòng liên hệ các trang thông tin chính thức sau:
Facebook: Tuệ Y Đường
⚕️ Bác sĩ CKI Nguyễn Nhật Minh
⚕️ Bác sĩ Đoàn Dung
Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội
Hotline: 0789.501.555 – 0789.502.555 – 0789.503.555
Tôi bị tê ống cổ tay phải do sử dụng máy tính nhiều xin bs tư vấn giúp tôi với ạ!!!
Tay của em tê cũng gần 20 năm và giờ muốn can thiệp bằng châm cứu đông y, như vậy thì có hiệu quả ko ạ? Mong bs cho lời khuyên ạ
Nhờ bác sĩ tư vấn cho em, em bị mất cảm giác ba ngón tay trỏ và ngón tay cái và tay giữa nho bác sĩ tư vấn giúp em,cảm ơn ạ
Tôi đã bị nặng rồi tới khuya là đau ghê lắm k ngủ được phải dậy bôi rượu ngâm gừng nghệ mới đỡ nhưng làm gì cũng k hết hẳn được mỗi lần đi xe máy là mỏi lắm k biết chữa trị như thế nào đây
Ai bị rồi mới biết, khó chịu lắm luôn, mình tối ngủ bi tê cứng cả bàn tay, một đêm bi mấy lần, mỗi lần bi mình lại thức giấc và năn bóp mãi mới hết xong ngủ tiếp một lúc sau lai bị lại bs tư vấn giúp mình với ạ
Bệnh nãy nếu điều trị thì trong vòng bao lâu ạ, mình muốn đặt lịch khám bên Tuệ y Đường ạ.
Em bị đau tay vào ban đêm , em cảm thấy tê mấy ngón tay rồi đâu giữa bàn tay , bác sĩ chỉ em các cách làm tại nhà ik ạ ..