Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị chu đáo, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
Ký sinh trùng gây bệnh ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei. Con ghẻ có hình bâu dục, bụng có 8 chân, lưng có gai xiên về phía sau, ,đầu có vòi hút thức ăn đồng thời để đào hầm vào lớp da thượng bì. Mỗi ngày ghẻ cái để 1-5 trứng, sau 3-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, Ấu trùng lột xác nhiều lần thành ghẻ trưởng thành. Ghẻ thường đào hang vào buổi tối, mỗi ngày đáo 2 – 3mm, gây nên triệu chứng ngứa dữ dội vào ban đêm. Các thuốc điều trị hiện nay chủ yếu tác động vào giai đoạn ấu trùng, bởi vậy thuốc thường được điều trị lặp lại sau khoảng một tuần để tác động vào ấu trùng ghẻ được nở ra từ trứng cũ.
Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh ghẻ là do sự xâm nhập của ghẻ vào da, ngứa phát sinh từ phản ứng dị ứng của cơ thể với chất thải, vỏ và các bộ phận khác của ghẻ. Bệnh ghẻ được chia làm hai thể là ghẻ thường và ghẻ vảy (hay ghẻ Na Uy).
– Thời kì ủ bệnh
- Trong trường hợp nhiễm lần đầu tiên, thời gian ủ bệnh 4 – 6 tuần phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và thu được của vật chủ.
- Ở những bệnh nhân tái nhiễm, đáp ứng miễn dịch nhanh, khởi phát triệu chứng xuất hiện sớm sau thời gian ủ bệnh 24 – 72 giờ.
– Khởi phát bệnh
- Ngứa đặc biệt về đêm là triệu chứng hay gặp nhất.
- Biểu hiện đặc trưng bao gồm ngứa dữ dội và tổn thương sân viêm lan tỏa.
- Các triệu chứng không đặc hiệu bao gồm vết cào gãi, tổn thương chàm thứ phát và chốc hóa.
Ghẻ thường
- Thường xảy ra ở bệnh nhân có miễn dịch bình thường.
- Triệu chứng cơ năng: ngứa dữ dội về đêm.
- Tổn thương cơ bản là các sẩn nhỏ màu đỏ kèm theo vết cào gãi, bề mặt phủ vảy tiết xuất huyết, phân bố rải rác vùng quanh rốn, cổ tay, sinh dục, ngực, mông, các nếp gấp, riêng đầu và lòng bàn tay ,bàn chân thường gặp trong thể lan tỏa.
- Đường hầm ghẻ: do ghẻ cái đào hầm trong lớp sừng khi đẻ trứng. Vị trí hay gặp ở cổ tay, lòng bàn tay, ngón tay và mặt bên ngón, đôi khi gặp ở bàn chân, sinh dục, mông, núm vú. Đường hầm có hình ngoằn nghèo, màu trắng nhạt kèm theo vảy da và mụn nước.
- Các sẩn – cục ghẻ: có màu nâu, kích thước như hạt đậu, tập trung ở vùng sinh dục nam giới, cũng có thể thấy ở nách, mông. Loại thương tổn này không phổ biến, nó gây ra cảm giác ngứa dữ dội. Một số nốt sần sau ghẻ tồn tại dai dẳng dù ghẻ đã hết.
- Trong trường hợp vệ sinh kém, có thể gặp nhiễm khuẩn thứ phát. Viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc dị ứng có thể gặp sau khi sử dụng thuốc bôi.
Ghẻ vảy hay ghẻ Nauy
- Thường xuất hiện ở người suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý nặng kèm theo.
- Triệu chứng cơ năng : ngứa ít hoặc không ngứa.
- Tổn thương là các mảng da đỏ, ranh giới không rõ, lan tỏa trên bề mặt có nhiều vảy da và vảy tiết màu xám/ trắng dày đặc. Tại các vùng xương gồ lên như khớp ngón tay, khuỷu tay, mào chậu, các mảng có màu vàng nâu, dày, có thể sùi. Đôi khi bệnh có biểu hiện đỏ da toàn thân hoặc có tổn thương ở móng tương tự như nấm móng.
- Vị trí tổn thương là những vùng dễ ma sát bao gồm bàn tay, chân, mông, khuỷu, đầu gối. Các khu vực ít bị trong ghẻ thường cũng xuất hiện trong ghẻ vảy như đầu, cổ, vùng tai.
Biến chứng trong ghẻ
- Chàm hóa: Bệnh nhân bị ngứa, gãi chàm hóa. Ngoài các thương tổn, ghẻ còn có các mụn nước tập trung thành đám.
- Bội nhiễm: các mụn nước xen kẽ các mụn mủ,có thể phù nề, loét.
- Lichen hóa: do ngứa nên bệnh nhân gãi nhiều, da dày, có màu thâm.
- Viêm cầu thận cấp: có thể gặp ở những bệnh nhân bị ghẻ bội nhiễm và không được điều trị, hoặc điều trị không khỏi, tái đi tái lại nhiều lần.
Chẩn đoán xác định
Dưa vào các đặc điểm sau:
- Thương tổn cơ bản: mụn nước rải rác và khu trú ở những vị trí đặc hiệu: kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, sinh dục, mặt trong đùi, bụng ( các vùng da mỏng). Đối vớ trẻ nhỏ chưa biết đi có thể thấy mụn nước ở lòng bàn chân.
- Cơ năng: ngứa nhiều về ban đêm.
- Có tính chất dịch tễ: trong gia đình, tập thể, nhà trẻ nhều người cùng bị bệnh ghẻ.
- Tìm thấy luống ghẻ, khêu được cái ghẻ là chính xác nhất.
Điều trị bệnh ghẻ
Điều trị bệnh ghẻ cần tuân theo các nguyên tắc sau:
- Điều trị cho tất cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ,..nếu phát hiện bệnh ghẻ.
- Toàn bộ quần áo, chăn màn, ga, gối đệm nên được giặt sạch, là khô, sau đó được bịt kín bằng túi nhựa trong 1 tuần.
- Với trường hợp chưa vệ sinh ngay đồ dùng cá nhân, những đồ dùng này nên được cách ly ít nhất 3 ngày, vì kí sinh trùng ghẻ không sống được sau 3 ngày ở ngoài cơ thể.
Ghẻ thông thường
Bôi một trong các thuốc:
- Dung dịch DEP: bôi ngày 2-3 lần, thuốc này không được dùng cho trẻ sơ sinh và không bôi vào bộ phận sinh dục.
- Lindane: xịt thuốc vào toàn bộ da từ cổ xuống chân. Sau 8-12 giờ tắm rửa thay quần áo, xịt thuốc 2 lần/tuần. Thuốc chữa ghẻ này tương tự như dung dịch DEP không dùng cho trẻ nhỏ vì nó gây độc với thần kinh.
- Benzyl benzoat (ascabiol, scabitox, zylate): bôi, xịt 2 lần/ngày.
- Eurax (crotamintan) 10%: 6-10 giờ bôi một lần. Thuốc an toàn có thể bôi vào bộ phận sinh dục và dùng được cho trẻ sơ sinh, nó có tác dụng chống ngứa và diệt cái ghẻ.
- Permethrin cream 5% (Elimite) là thuốc điều trị ghẻ ít độc tính nhất, có thể dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Trường hợp bị ghẻ vảy
- Phối hợp Ivermectin uống với thuốc bôi ngoài tại chỗ, nó có hiệu quả ở hầu hết các trường hợp ghẻ điển hình.
- Lưu ý Trẻ em dưới 5 tuổi hoặc ít hơn 15kg không được điều trị bằng ivermectin.
Theo đông y, nên thường xuyên tắm với nước của cây lá đắng, ba gạc, xoan, xà cừ, cúc tần.
-
Đối với ghẻ có bội nhiễm, viêm da, chàm hóa cần sử dụng phối hợp: kháng sinh, steroid, kháng histamin, vitamin B1, C, oxit kẽm, mỡ kháng sinh, dung dịch milian; tím metyl 1%.