Bệnh da do virus Herpes Simplex

Bệnh herpes là một căn bệnh có khả năng lây truyền cao, do virus herpes gây ra. Người bệnh có thể bị mụn rộp ở bộ phận sinh dục hay mụn nước ở môi, miệng. Hiếm gặp hơn, virus herpes có thể gây viêm não, viêm não herpes ở trẻ sơ sinh. Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng.

Có 2 loại HSV (có tài liệu viết là HHV: Human Herpes Virus):

+ HSV 1: Gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt, mũi, miệng. Lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với virus qua thương tổn của chúng hoặc qua nước bọt.

+ HSV2: Gây bệnh ở da niêm mạc bộ phận sinh dục. Bệnh lây truyền qua đường tình dục.Sự phân loại này không hoàn toàn tuyệt đối vì người ta có thể phân lập thấy HSV 1 ở những thương tổn tại bộ phận sinh dục và HSV2 cũng được phân lập từ những thương tổn ở môi, miệng.

I.Nhiễm Herpes vùng miệng và đường tiêu hóa

  • Nguyên nhân chủ yếu do HSV1, đặc trưng bởi các tổn thương mụn nước, vết trợt loét xung quanh và trong miệng.
  • Bệnh thường gặp ở trẻ từ 1- 5 tuổi
  • Triệu chứng : cảm giác bỏng rát, dị cảm tại vị trí trước khi có biểu hiện tổn thương. Ngoài ra các triệu chứng khác như nổi hạch vùng cổ, mệt mỏi, đau cơ, chán ăn, khó nuốt, nhức đầu.
  • Sau 1 hoặc 2 ngày, xuất hiện một số mụn nước vùng niêm mạc miệng, nhanh chóng dập vỡ gây đau nhiều.
  • Sau khi nhiễm HSV tiên phát, virus tiềm ẩn kích hoạt định kỳ, chúng di chuyển từ hạch cảm giác ra dây thàn kinh ngoại vi gây mụn rộp tái phát.
  • Herpes môi : Biểu hiện hay gặp với các bọng nước, kèm sốt hoặc sưng nề vùng viền môi và cả vùng da xung quanh. 6h trước khi xuất hiện tổn thương , thường có một cơn đau, nóng rát hoặc ngứa, cảm giác châm chích tại vị trí sắp xuất hiện tổn thương. Sau đó trong vòng 24 giờ, nhiều mụn nước căng xuất hiện tập trung lại với nhau, nhanh chóng vỡ để lại vảy tiết, đau rát trong vòng một vài ngày đầu. Tổn thương không để lại sẹo trong 2 tuần.
  • Herpes trong miệng : gặp ở những người có hệ miễn dịch kém. Biểu hiện lâm sàng là những mụn nước phát triển một bên không vượt quá đường giữa, tập hợp thành đám, bờ không đều, nhanh chóng chợt vỡ.

II. Herpes sinh dục

  • Nguyên nhân có thể do HSV1 hoặc HSV2, biểu hiện lâm sàng rất thay đổi, từ không triệu chứng đến mức độ nhẹ, nặng, có thể biến chứng bí tiểu, viêm màng não và thay đổi tâm lí.
  • Nguyên nhân chủ yếu do HSV2, sau khi quan hệ tình dục một vài ngày, xuất hiện tiền triệu đau tại chỗ, cảm giác bỏng rát, căng tức kéo dài 24 giờ, các biểu hiện toàn thân có thể là đau đầu, sốt, mệt mỏi, nổi hạch bẹn. Sau đó mụn nước xuất hiện với kích thước khác nhau trợt vỡ tạo thành bờ đa cung, có vảy tiết trên bề mặt da, khi lành không để lại sẹo.
Herpes ở môi tổn thương là các mụn nước thành từng chùm

Nguy cơ mắc phải

Đối với bệnh này thì bất cứ ai cũng có thể nhiễm phải khi tiếp xúc với người bệnh. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc với dịch của người nhiễm bệnh qua vết thương hở, ăn uống chung với người bệnh hoặc quan hệ tình dục không an toàn. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Herpes simplex, bao gồm:

  • Tổn thương ở môi (khô, nứt môi, chấn thương…).
  • Chấn thương răng – miệng (nhổ, trám răng…).
  • Hoạt động tình dục với nhiều người.
  • Nữ giới có khả năng bị nhiều hơn nam giới.
  • Sốt, cảm cúm, các bệnh nhiễm trùng (như viêm đường hô hấp trên…).
  • Kinh nguyệt, có thai.
  • Đứa trẻ cũng có khả năng gặp biến chứng nếu như người mẹ trong lúc sinh con bị nhiễm bệnh.
  • Suy nhược cơ thể, căng thẳng tinh thần, chấn thương thể chất.
  • Giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch (AIDS, ung thư…).

Biến chứng có thể gặp khi bị nhiễm Herpes simplex

Các biến chứng do virus Herpes gây ra:

  • Herpes da đơn thuần: Chỉ gây bệnh ở da với biến chứng là các thương tổn về da như: viêm da mãn tính, phát ban dạng thủy đậu,…
  • Herpes ở mặt: Gây viêm kết mạc, giác mạc hoặc vừa viêm kết mạc lẫn giác mạc.
  • Herpes ở người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS): Ở những người nhiễm HIV/AIDS rất hay bị nhiễm herpes lan toả. HSV-1 vừa gây thương tổn ở niêm mạc miệng, mũi, mắt, thương tổn da, thương tổn nội tạng như viêm não, màng não, viêm gan do Herpes. Các thương tổn do Herpes gây ra có xu hướng hoại tử, lan tràn trên lưng rất nặng.
  • Herpes ở người viêm da cơ địa sẽ gây ra chàm dạng Herpes. Tại nơi có thương tổn chàm có thể có các thương tổn mụn nước, kèm theo bọng nước lõm giữa, mụn mủ lõm giữa, hoặc mụn nước, bọng nước chứa máu. Triệu chứng toàn thân nặng, có thể tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ.
  • Herpes trẻ sơ sinh: Herpes ở trẻ sơ sinh hiếm gặp so với Herpes ở trẻ em và người lớn. Tỷ lệ Herpes trẻ sơ sinh 1/1.500 – > 1/10.000 trẻ sơ sinh.
  • Viêm não do Herpes: Bệnh có thể gặp ở trẻ em và người lớn; nguyên nhân phần lớn do HSV-1; có thể gặp ngay thời kỳ nhiễm Herpes sơ phát hoặc tái phát.

Phương pháp điều trị nhiễm Herpes simplex hiệu quả

  • Mục đích của điều trị là làm giảm các triệu chứng; đề phòng các di chứng và HSV tái hoạt tính vì hiện tại chưa có cách chữa bệnh Herpes hoàn toàn.
  • Hiện có 3 loại thuốc được chấp nhận dùng điều trị nhiễm Herpes là: aciclovir, valaciclovir và famciclovir. Tùy giai đoạn bệnh mà liều lượng và số ngày dùng thuốc sẽ khác nhau.
  • Ngoài ra, dùng thuốc bôi acyclovir càng sớm càng tốt khi bắt đầu có các triệu chứng báo hiệu hoặc khi xuất hiện các thương tổn đầu tiên. Cách bôi: bôi 5 lần ngày, cách 4 – 5 giờ bôi 1 lần. Thời gian bôi 5 ngày hoặc lâu hơn đến 10 ngày. Không bôi thuốc vào niêm mạc mắt.

Phòng bệnh

Virus Herpes rất dễ lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp khi các vết lở còn rộp nước, vì vậy cần lưu ý những điều sau:

  • Không chạm vùng có vết thương của mình vào người khác, như: hôn hít, sờ, chạm.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, ly uống nước, chén – đũa – muỗng, son môi, phấn trang điểm.
  • Rửa tay sau khi thoa thuốc.
  • Không sờ lên mắt. Không dùng nước miếng để làm ướt kính sát tròng.
  • Cẩn thận khi trang điểm và tẩy trang. Không nên cố gắng dùng mỹ phẩm để che đi những mụn rộp hay vết lở vì sẽ dễ bị bội nhiễm vi trùng. Vết lở sẽ không còn gây lây nhiễm khi đã lành hoàn toàn và vùng da bị ảnh hưởng đã trở về bình thuờng.
  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *