Tổ đỉa là một bệnh ngoài da, tiến triển từng đợt dai dẳng. Bệnh không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng niken hóa, gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó người bệnh nên đi khám chữa bệnh ngay từ giai đoạn đầu để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị tổ đỉa, trong đó có 2 phương pháp chủ yếu là dùng thuốc tây y và dùng thuốc đông y. Tuy nhiên để việc điều trị đạt hiệu quả cao thì người bệnh nên tham khảo qua ý kiến của bác sĩ để sử dụng thuốc đúng cách và đúng liều lượng, tránh trường hợp sử dụng quá liều hoặc không đúng cách có thể làm cho bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Điều trị bằng Tây y
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương da do bệnh tổ đỉa mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định cho bệnh nhân những loại thuốc sau:
Tại chỗ: dập tắt mụn nước và chống bội nhiễm
- Mụn nước đơn thuần bôi đắp gạc dung dịch sát khuẩn như dung dịch bạc nitrat 0,5%, nếu có bội nhiễm có mụn mủ dùng thuốc màu như dung dịch tím methyl 1%, dung dịch Milian ..
- Khi giảm mụn nước bôi kem, mỡ corticoid như mỡ Flucinar, kem tempovate, kem dermovate, mỡ corticoid + kháng sinh.
- Nếu là loại tổ đỉa căn nguyên do nấm thì dùng thuốc bôi và uống chống nấm
Toàn thân:
- Chống ngứa, giải cảm, kháng Histamine tổng hợp.Nếu cần cho một đợt corticoid uống từ 5-10 ngày.
- Kháng sinh nếu có bội nhiễm
- Nếu do nấm dùng Griseofulvin 0,25 4viên ngàyx 30 ngày.
Điều trị tổ đỉa bằng Đông y
Theo Đông Y, bệnh tổ đỉa được gọi là nga trưởng phong (đối với tổ đỉa ở bàn tay) và thấp cước khí (đối với tổ đỉa ở bàn chân). Đông Y xem những nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa là do phong thấp, nhiệt tà hoặc độc tà. Những yếu tố này kết lại ở các vị trí như bì phu bàn chân, bàn tay,…
Ảnh hưởng của bệnh khiến cho tình trạng vận hóa khí huyết bị ảnh hưởng, da khô, bong tróc do bì phu tấu lý không được nuôi dưỡng như khi khỏe mạnh. Tình trạng thấp nhiệt với phong tích tụ cũng có thể sinh ra mụn nước. Với thấp nhiệt lâu ngày hóa nùng có thể làm cho da bị sưng loét có mủ, xuất hiện tình trạng độc tà hóa táo sinh phong gây ra ngứa ngáy ngoài da.
Nguyên tắc điều trị là khu phong thanh nhiệt, thải độc, tăng cường chức năng can, thận nhằm tăng cường sức đề kháng để ngăn chặn các yếu tố ngoại tà. Đồng thời phải loại bỏ được các triệu chứng ngứa, bong tróc và phục hồi tổn thương nhằm tạo hàng rào bảo vệ da.
Tùy vào mức độ , tiết diện vùng da tổn thương mà sử dụng thuốc uống trong, thuốc bôi lau ngoài, hoặc kết hợp điều trị cả trong lẫn ngoài. Các vị thuốc thường dùng gồm các vị thuốc như: Bồ công anh; Tang bạch bì; Kim ngân hoa; Ké đầu ngựa; Đơn đỏ…
- Bồ công anh được nhiều người sử dụng bởi tác dụng giải độc, mát gan, lợi mật, tăng bài tiết dịch mật, giúp điều trị hiệu quả mụn nhọt, viêm da.
- Tang bạch bì vị thuốc chính là rễ của cây dâu tằm, có vị ngọt, tính hàn công dụng thanh nhiệt, mát gan.
- Ké đầu ngựa: Là vị thuốc Nam quý có vị ngọt, tính ôn, giúp tiêu độc, sát trùng, được sử dụng nhiều trong điều trị viêm da, nhiễm trùng, mẩn ngứa.
- Kim ngân hoa: Được ví là kháng sinh tự nhiên, không chứa độc tố giúp sát khuẩn, kháng khuẩn. Có tác dụng cực kỳ tốt trong điều trị các vùng bị viêm và nhiễm khuẩn trên da.
Kết hợp chăm sóc điều trị, phòng ngừa bệnh tổ đỉa
Ngoài việc áp dụng các loại thuốc và phương pháp điều trị, người bệnh cũng cần phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý. Điều này không những hỗ trợ các phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao hơn mà còn giúp phòng chống bệnh hiệu quả.
Cần thường xuyên áp dụng các biện pháp bảo vệ da và phòng tránh bệnh tổ đỉa
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với xăng dầu, hóa chất, xà phòng và chất tẩy rửa. Nếu trong trường hợp bắt buộc thì cần phải có biện pháp bảo vệ như đi ủng, đeo găng tay, mặc đồ phòng hộ.
- Chú ý không nên ngâm tay trong nước quá lâu, hoặc sử dụng kem dưỡng ẩm, vì khi đó có thể làm ẩm lớp sừng, tạo điều kiện để vi khuẩn và nấm phát triển mạnh hơn.
- Người bệnh cũng nên hạn chế tiếp xúc với chó mèo và vật nuôi… Vì lông thú nuôi nếu không được vệ sinh thường xuyên sẽ chứa rất nhiều tác nhân gây hại như vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng gây bệnh.
- Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho sự phục hồi của da và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Bên cạnh đó nên uống nhiều nước để tăng cường độ ẩm cho da.
- Hạn chế thức ăn gây ngứa như tôm, cua, cá, ốc, hải sản, nhộng, tằm…
- Ngoài ra người bệnh nên hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, rượu bia và các chất kích thích có thể làm da bị kích ứng, khiến cho những tổn thương trên da ngày càng trầm trọng.
Qua những thông tin trên hy vọng rằng bạn đọc đã hiểu hơn về cách điều trị bệnh tổ đỉa để có thể lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn những phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe!